Tại lễ kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ 8 năm 2024 với chủ đề "Công tác xã hội Việt Nam tiên phong, chuyên nghiệp và kết nối" (25.3.2016 - 25.3.2024) được tổ chức sáng 22.3, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Văn Thinh ôn lại một số dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngành công tác xã hội.
TP.HCM phát triển công tác xã hội chuyên nghiệp
Mặc dù được định hình thành ngành khoa học cách đây chưa tới 100 năm, nhưng từ lâu, lĩnh vực công tác xã hội đã có mặt trong đời sống để giải quyết hậu quả của chiến tranh, nghèo đói và bệnh tật.
Cùng với thế giới, công tác xã hội tại Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ phát triển. Sự kiện đánh dấu cho việc phát triển lĩnh vực này là năm 1992, lớp cử nhân về cán sự xã hội đầu tiên được mở tại khoa Phụ nữ học (tiền thân khoa Xã hội học) tại Trường đại học Mở TP.HCM.
Đến nay, cả nước có trên 40 cơ sở đào tạo công tác xã hội ở các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học. Ngoài ra, có 300 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và gần 700 trung tâm dạy nghề triển khai đào tạo nghề công tác xã hội. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.500 cử nhân công tác xã hội; 18.092 người hệ vừa học vừa làm.
Dấu mốc quan trọng khác phải kể đến là tháng 3.2010, Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam và tháng 8.2010, ban hành mã ngạch công tác xã hội cùng với chức danh tiêu chuẩn nghề công tác xã hội.
Theo ông Lê Văn Thinh, cùng với cả nước, TP.HCM luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Gần đây nhất, để thúc đẩy các hoạt động công tác xã hội chuyên nghiệp, ngày 21.11.2023, đơn vị cùng 7 trường đại học, học viện ký kết hợp tác về chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn đến năm 2030.
Ông Lê Văn Thinh cho rằng, ngày Công tác xã hội ở Việt Nam (25.3) là dịp nhìn nhận, đánh giá tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của lĩnh vực này. Đồng thời ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc giải quyết những vấn đề xã hội của quốc gia.
Mong người làm công tác xã hội giữ vững lửa nghề
Chia sẻ tại buổi lễ, tiến sĩ Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trường đại học Lao động - Xã hội (cơ sở 2) nhấn mạnh công tác xã hội là nghề có tính nhân văn sâu sắc, nhất là nhằm hướng tới giải quyết bất bình đẳng trong xã hội. Tiến sĩ Phạm Ngọc Thành mong thế hệ người đã, đang và sẽ theo đuổi lĩnh vực công tác xã hội tiếp tục giữ vững lửa nghề, đóng góp cho cộng đồng.
PGS-TS Huỳnh Văn Chẩn, Trưởng khoa Công tác xã hội Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng khẳng định đây là nghề nghiệp có tính nhân văn rất cao, khơi dậy được lòng thánh thiện ở mỗi con người.
Với ngày Công tác xã hội, Việt Nam tôn vinh những đóng góp bền bỉ của người làm công tác xã hội và nhắc nhở mỗi người dân về trách nhiệm cộng đồng. Qua đó, PGS-TS Huỳnh Văn Chẩn kỳ vọng TP.HCM sẽ tạo lập mạng lưới lâu dài để xây dựng ngành công tác xã hội mạnh mẽ hơn, hướng tới thúc đẩy nhanh chóng có luật công tác xã hội.
PGS-TS Huỳnh Văn Chẩn cũng tri ân những người tiên phong trong lĩnh vực này, cụ thể là cố thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh - người đã đặt nền móng cho ngành công tác xã hội tại Việt Nam.
Bình luận (0)