Tôi ấn tượng hình ảnh bà chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM Lương Thị Thuận tranh thủ giờ ăn trưa đi dọc khắp khu trại hè để xem ban tổ chức có đảm bảo trẻ ngủ ngon, an toàn không. Người phụ nữ này đã dành cả cuộc đời để nỗ lực vì sự phát triển của trẻ em tại VN.
Tôi cũng có dịp nghe những người làm CTXH nhiều lĩnh vực kể về lý tưởng, nỗ lực để cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Ở đó, những vấn đề vị lợi cho bản thân sẽ không bao giờ có mặt trong cuộc hội thoại, thay vào đó, họ thường nói về sự tôn trọng và quan tâm đến người khác.
Ngành CTXH vốn xuất hiện trên thế giới từ thế kỷ 19 và được phát triển, định hình thành một ngành khoa học tại VN từ thập niên 1990 đến nay. Có lẽ sẽ không thể quên bà Nguyễn Thị Oanh, người tiên phong xây dựng nền móng cho ngành này tại VN và nay đã qua đời.
Năm 1992, khoa Phụ nữ học (tiền thân khoa Xã hội học) tại Đại học Mở TP.HCM được bà thành lập sau nhiều năm đào tạo không chính thức về CTXH. Từ đó, rất nhiều thế hệ cử nhân, nhân viên, người hoạch định chính sách xã hội dấn thân cùng cộng đồng xây dựng xã hội bình đẳng và văn minh hơn. Họ làm đẹp cho đời và giải quyết những vấn đề phức tạp của đời sống, từ giảm nghèo, tệ nạn đến giáo dục, y tế - sức khỏe, biến đổi khí hậu…
Cùng với việc tôn vinh tầm quan trọng của nghề CTXH, ngày 25.3 cũng là dịp để nâng cao nhận thức về lĩnh vực này, qua đó, giúp mỗi cá nhân biết quan tâm hơn trước các vấn đề xã hội.
Riêng tôi rất muốn đề cập đến những giá trị mà ngành CTXH, song hành cùng các ngành nhân văn khác, đã đổi thay cuộc sống. Nó giúp con người phát triển khả năng tư duy, hình dung tốt về những động lực, hạn chế của nhiều nhóm người, nhiều nền văn hóa. Ở xã hội ấy, người ta có thể cảm thông và đặt mình vào vị trí của nhau, cảm thông những vấn đề đã ảnh hưởng đến đời sống của cá nhân để giúp cuộc sống tươi đẹp hơn...
Bình luận