Cơ chế chính sách về giảm nghèo sẽ có thay đổi lớn

Thu Hằng
Thu Hằng
17/10/2022 15:30 GMT+7

Trong giai đoạn 2022 - 2025, những cơ chế chính sách về giảm nghèo có thay đổi rất lớn so với giai đoạn trước. Đặc biệt, các giải pháp giảm nghèo tập trung triển khai đồng bộ đảm bảo 3 yếu tố: đa chiều, bao trùm và bền vững.

Đây là thông tin được ông Tô Đức, Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB-XH), chia sẻ với báo chí về những thay đổi trong chính sách giảm nghèo, nhân tháng cao điểm Vì người nghèo bắt đầu từ 17.10.

Huyện Đoàn Nam Giang (Quảng Nam) hỗ trợ sinh kế giúp nhiều thanh niên vùng cao vươn lên thoát nghèo bền vững

Mạnh Cường

Thưa ông, với việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia vào năm 2015 đã góp phần vào những thành tựu đầy ấn tượng của Việt Nam trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Xin ông cho biết, chuẩn nghèo trong giai đoạn mới sẽ được áp dụng như thế nào?

Trước đây, chúng ta mới chỉ áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, tức là trong hộ nghèo đã có 2 nhóm được xác định là nhóm dưới chuẩn thu nhập và nhóm vừa dưới chuẩn thu nhập vừa thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam áp dụng đầy đủ, toàn diện chuẩn nghèo đa chiều.

Bên cạnh việc áp dụng đầy đủ toàn diện chuẩn nghèo đa chiều, chúng ta còn lần đầu tiên xác định chuẩn thu nhập là mức sống tối thiểu của người dân tính bình quân cả nước. Theo Tổng cục Thống kê công bố, khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng và khu vực thành thị là 2 triệu đồng/tháng.

Không nhiều quốc gia trên thế giới có thể áp dụng theo chuẩn về thu nhập theo chuẩn mức sống tối thiểu. Đây là bước tiến mà Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong xây dựng chính sách giảm nghèo.

Ngoài quy định về chuẩn mức sống tối thiểu khu vực nông thôn hay thành thị là thiếu hụt chính, chúng ta còn có tiêu chí thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản đa chiều, gồm: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin.

Từ năm 2022, khi nói đến hộ nghèo, chúng ta xác định đây là hộ nghèo đa chiều chứ không còn đơn thuần là nghèo và thiếu hụt thu nhập nữa. Các chính sách giảm nghèo sẽ được xây dựng tuỳ theo mức độ thiếu hụt thu nhập, dịch vụ xã hội cơ bản khác nhau của từng hộ nghèo, từng địa phương.

Ông Tô Đức, Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB-XH)

MOLISA

Hiện nay, một số địa phương đã ban hành chuẩn nghèo cao hơn mức chuẩn quốc gia, vậy chính sách giảm nghèo giữa các địa phương sẽ có sự khác biệt gì?

Chuẩn nghèo chung, chuẩn nghèo quốc gia áp dụng cho cả nước để làm cơ sở để xác định đối tượng và thực hiện những chính sách chung của quốc gia. Còn chuẩn nghèo các địa phương sẽ được bảo đảm thực hiện bằng nguồn ngân sách của địa phương và áp dụng thực hiện những cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương đối với người nghèo.

Chính phủ đã quy định đối với những tỉnh, thành phố, đặc biệt là địa phương có khả năng tự cân đối ngân sách thì nên ban hành chuẩn riêng bởi vì mức sống tối thiểu mỗi địa phương, khu vực sẽ có sự khác nhau.

Đơn cử như các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Kạn... có mức sống tối thiểu khác của Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… Vì vậy, chúng ta khuyến khích những tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách thì ban hành chuẩn riêng.

Đến nay, một số tỉnh, thành phố đã ban hành chuẩn nghèo riêng như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... và một số địa phương khác cũng đang nghiên cứu để ban hành những chuẩn nghèo riêng.

Việc các tỉnh, thành ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia, các chính sách giảm nghèo cũng được xây dựng, triển khai sát với tình hình thực tế của địa phương hơn. Bên cạnh đó, đối tượng được hưởng chính sách giảm nghèo của địa phương cũng được mở rộng hơn chuẩn quốc gia.

Vậy, các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn tới sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Trong giai đoạn 2021 - 2025, những cơ chế chính sách về giảm nghèo có thay đổi rất lớn so với giai đoạn trước. Ngay trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rất rõ là chúng ta phải giảm nghèo thực chất.

Các chương trình, các cơ chế, các chính sách, phương thức để hỗ trợ người nghèo, để giúp cho người nghèo được xây dựng với mục tiêu thoát nghèo một cách bền vững. Đặc biệt, các giải pháp giảm nghèo phải tập trung triển khai đồng bộ đảm bảo 3 yếu tố: đa chiều, bao trùm và bền vững.

Giảm nghèo đa chiều là tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt của người nghèo, bao gồm thiếu hụt về thu nhập và sáu chiều dịch vụ xã hội cơ bản theo nghị định của Chính phủ đã quy định.

Bên cạnh đó, chúng ta tập trung giảm nghèo bao trùm. Đó là hướng tới giải quyết vấn đề nghèo đói cho mọi người, mọi đối tượng, mọi nơi, mọi thời điểm, mọi chiều thiếu hụt. Cứ ở đâu có người nghèo là có các cơ chế chính sách hướng tới giảm nghèo, không để ai bị bỏ phía sau, không để lọt đối tượng.

Chúng ta sẽ giúp cho người nghèo thoát nghèo một cách bền vững. Không phải để người nghèo thoát chuẩn nghèo hôm nay nhưng mà ngày mai khi gặp dịch bệnh, thiên tai, những lý do bất khả kháng thì quay lại trở lại nghèo. Thực sự người nghèo phải thoát nghèo, có thể vươn lên, xây dựng một cuộc sống ấm no, xây dựng sinh kế, việc làm và thu nhập bền vững.

Trong 10 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm đầy ấn tượng. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia thu nhập trung bình thấp của Ngân hàng Thế giới (WB) giảm từ 16,8% xuống còn 5% với trên 10 triệu người thoát nghèo.

Bước sang giai đoạn mới, Việt Nam tiếp tục điều chỉnh chuẩn nghèo với các tiêu chí cao hơn và đa chiều tiếp cận để đạt được mục tiêu kết quả giảm nghèo bền vững.

Với chuẩn nghèo đa chiều mới (được phê duyệt năm 2021), tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng từ 5,2% (năm 2020) lên 9,35% (năm 2022), đồng nghĩa với thêm 10 triệu người được hưởng lợi từ các chính sách và chương trình mục tiêu của Chính phủ về bảo trợ xã hội và giảm nghèo trong giai đoạn 2021 - 2025.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.