Năm 2000, UBND tỉnh Phú Yên cho phép lập dự án khả thi công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông, xã Hòa Hiệp Nam (H.Tuy Hòa, nay là H.Đông Hòa) với vốn đầu tư hơn 41 tỉ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phú Yên làm chủ đầu tư, nhằm phục vụ lợi ích dân sinh. Tháng 4.2002, dự án chính thức khởi công xây dựng.
Sau 1 năm thi công, các hạng mục chính ở gói thầu bờ bắc cơ bản hoàn thành, nhưng do khảo sát địa hình, địa chất, hải văn không sát thực tế nên chỉ qua trận lũ đầu tiên vào tháng 11.2003, công trình bị lũ cuốn phăng. Hiện tại, công trình đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không thể nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Sở dĩ để xảy ra tình trạng trên là do công trình bị "rút ruột" trong quá trình triển khai. Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên cho thấy, vào tháng 7.2000, Lê Mao lúc đó là Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên kiêm Trưởng ban Quản lý dự án thủy lợi đã ký hợp đồng với Tô Đạt, Phó giám đốc Công ty tư vấn xây dựng (TVXD) Phú Yên, để đơn vị này tiến hành khảo sát địa hình, địa chất, hải văn và lập báo cáo khả thi dự án trên, giá trị hợp đồng hơn 494 triệu đồng.
Thực tế, Tô Đạt đã không tiến hành khảo sát địa hình, địa chất mà mời Trần Xuân Thái, Giám đốc Trung tâm Động lực sông thuộc Viện Khoa học thủy lợi Hà Nội (không có chức năng khảo sát, thiết kế) tham gia. Biết Tô Đạt, Trần Xuân Thái chỉ khảo sát... trên giấy để lập báo cáo khả thi, nhưng Lê Mao vẫn lập thủ tục đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) thẩm định và trình UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt.
Đầu tháng 10.2001, Lê Mao ký với ông Hoàng Xuân Thưởng, Giám đốc Công ty TVXD Phú Yên, hợp đồng hơn 602 triệu đồng để đơn vị này thực hiện khảo sát địa hình và thiết kế kỹ thuật thi công. Sau khi ký hợp đồng, ông Thưởng giao Tô Đạt thực hiện, nhưng Đạt lại không tiến hành khảo sát địa hình mà tiếp tục dùng tài liệu khảo sát địa hình có từ năm 2000 của mình để lập bình đồ và đưa cho Trần Xuân Thái lập hồ sơ thiết kế.
Trong tháng 10.2001, Thái lập xong và ký hồ sơ thiết kế với tư cách là chủ trì thiết kế, còn Tô Đạt ký với tư cách là chủ nhiệm dự án, rồi giao hồ sơ cho Lê Mao. Lê Mao không tổ chức thẩm định mà trình UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt. Sau đó, Lê Mao, Nguyễn Hữu Thuận (cán bộ Ban quản lý dự án thủy lợi) cùng Hoàng Xuân Thưởng, Tô Đạt ký nghiệm thu khảo sát địa hình nhưng không có báo cáo, tiến hành nghiệm thu thanh lý hợp đồng.
Qua 2 hợp đồng, Ban quản lý dự án thủy lợi đã thanh toán cho Công ty TVXD Phú Yên hơn 1 tỉ đồng. Tô Đạt cùng Đỗ Thị Thúy Mai (kế toán trưởng công ty) thống nhất đưa cho Thái hơn 322 triệu đồng (trong đó có 24 triệu đồng chi phí giao dịch), Đạt và Mai sử dụng hơn 235 triệu đồng, đưa cho Lê Mao 48 triệu đồng; số tiền còn lại công ty quản lý. Từ kết quả điều tra này, Viện KSND tỉnh Phú Yên truy tố Lê Mao, Tô Đạt, Đỗ Thị Thúy Mai, Trần Xuân Thái về tội "cố ý làm trái..." và chuyển hồ sơ sang TAND tỉnh Phú Yên để đưa ra xét xử.
Việc đưa 4 bị can trên ra xét xử chỉ là một phần của vụ án, hiện các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên vẫn đang điều tra mở rộng (giai đoạn 2). Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã bắt tạm giam Nguyễn Văn Thương (50 tuổi, nguyên cán bộ Ban quản lý dự án thủy lợi Phú Yên) và Lê Văn Trân (38 tuổi, nguyên giám sát kỹ thuật thi công công trình) về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại hơn 5,1 tỉ đồng. |
Đức Huy
Bình luận (0)