|
Rất ít dự án sử dụng
Theo Thông tư số 09 do Bộ Xây dựng ban hành hiệu lực từ 15.1.2013, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) không nung, tuy nhiên đến nay có rất ít dự án sử dụng loại VLXD này.
|
Các chuyên gia và cả đơn vị quản lý nhà nước đều khẳng định, VLXD không nung giúp giảm chi phí xây dựng, tiết kiệm năng lượng và tốt cho sức khỏe con người. Theo đại diện Công ty Gyproc, hiện ở châu u có 85% công trình sử dụng VLXD không nung. Tại Thái Lan và Malaysia cũng có 8% công trình sử dụng tường thạch cao thay vì xây bằng gạch nung. Trong khi ở VN, gần như thạch cao chỉ sử dụng làm trần trong khi tường thạch cao giúp dễ thiết kế không gian, giảm tải cho công trình. Theo Công ty tư vấn quản lý dự án Mainhart (Úc), với một chung cư 25 tầng có vốn đầu tư 492 tỉ đồng ở VN, nếu xây tường bằng thạch cao sẽ giúp công trình giảm tải hơn 10 lần so với gạch nung, giảm 3 lần so với bê tông nhẹ, từ đó giảm chi phí xây dựng móng. Việc xây tường bằng thạch cao giúp dự án xây dựng xong sớm hơn 3 tháng, tiết kiệm được hơn 14 tỉ đồng so với việc dùng gạch nung.
Đại diện Công ty Hass thì cho biết khi dùng gạch bê tông nhẹ khí chưng áp được làm từ cát (hoặc tro bay), vôi, thạch cao, xi măng, bột nhôm, công trình sẽ thi công nhanh hơn 2 - 3 lần, ít tốn chi phí tô vữa. Đối với nhà ở riêng lẻ sẽ giảm được 5 - 10% chi phí so với việc dùng gạch nung; nhà cao tầng giảm từ 10 - 15%...
Hiệu quả kinh tế là vậy, nhưng theo ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương, việc sử dụng VLXD không nung trong các công trình đầu tư từ ngân sách (công trình nhà nước) hiện nay còn hạn chế. Lý do là “do các công trình tư vấn thiết kế, thi công bằng các loại VLXD khác đã được phê duyệt chọn loại VLXD trước khi có chủ trương của nhà nước”, ông Tài giải thích. Ông Tài cho biết tòa nhà B1 thuộc Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương sử dụng 30% VLXD không nung.
Theo ông Lê Kim Giàu, Giám đốc Công ty CP Hưng Khang (Bình Dương), nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khâu tư vấn thiết kế và khâu thi công. “Các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công chưa mạnh dạn đưa VLXD không nung vào sử dụng”, ông Giàu nói.
Không sử dụng sẽ bị xử lý
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, việc sử dụng VLXD nung đốt như gạch, ngói… hiện nay khiến mỗi năm cả nước mất 6 - 7 triệu tấn than, khoảng 2 triệu m3 đất sét. Hằng năm, các lò nung đốt vật liệu thải ra môi trường khoảng 60 triệu tấn khí thải và chất thải rắn như tro, xỉ… Để đảm bảo phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị tăng cường sử dụng VLXD không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung… Theo đó, kể từ năm 2014 các công trình được đầu tư bằng ngân sách bắt buộc phải sử dụng VLXD không nung. Theo Thông tư số 09 của Bộ Xây dựng, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ năm 2014 - 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% VLXD không nung, sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXD không nung loại nhẹ.
Theo ông Phan Đức Nhạn, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, Chính phủ đã có Nghị định 121 quy định xử phạt hành chính từ 20 - 40 triệu đồng/hành vi đối với chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm quy định về sử dụng VLXD không nung trong công trình. Tùy theo hành vi còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. “Trong năm nay, các công trình sử dụng vốn ngân sách phải sử dụng 30% VLXD không nung, nếu không sẽ bị xử lý”, ông Nhạn khẳng định.
Đình Sơn - Đình Mười - Đỗ Trường
Bình luận (0)