Sau gần 10 năm Việt Nam nhận đăng cai SEA Games, các công trình được đầu tư cho sự kiện lớn này đang xuống cấp trầm trọng.
Hoang tàn
Cách đây ít ngày, khi có mặt tại Nhà thi đấu (NTĐ) Gia Lâm (H.Gia Lâm, TP.Hà Nội), nếu không có tấm biển đề dòng chữ “Nhà thi đấu Gia Lâm” to đùng dựng trên nóc, thì chúng tôi cũng chẳng dám nghĩ đó là một công trình từng được đầu tư tới gần 50 tỉ đồng để thi đấu môn karatedo ở SEA Games 22 và năm 2009, nhà nước chi thêm 15 tỉ đồng nữa để nâng cấp khi Việt Nam đăng cai Đại hội Thể thao trong nhà châu Á - AIG 3 (nơi đây được chọn tổ chức môn kurash).
Ngay từ cửa chính ra vào, phần tường ốp đá xuất hiện không biết cơ man nào là những vệt rêu thấm nước xanh rì, còn các ô cửa kính thì vỡ toác được “ngụy trang” bằng giấy báo. Trong khi đó, khuôn viên cây xanh bao quanh cỏ dại mọc um tùm trông càng hoang tàn. Thêm vài bước, quần áo giăng mắc bừa bãi ngay lối dẫn vào tầng trệt, khiến người ta liên tưởng ngay đây là khu tập thể cũ nào đó. Cách đó không xa, các phòng chức năng nằm bên hông NTĐ bị bỏ trống hoàn toàn, cửa ra vào bị biến mất, rác rưởi, đồ cũ… nằm ngổn ngang trong phòng. Trên nền nhà, nước mưa thấm dột chảy lênh láng, góc phòng bốc ra mùi hôi thối của chuột chết.
|
|
Tương tự, trên tầng 2, một loạt các phòng chức năng khác cũng trong tình trạng bỏ không, phủ kín bụi mờ và xập xệ. Phòng dành cho báo chí thì thật thảm hại, chỉ trong mấy ngày mưa phùn mà nước dột xuống cũng ướt đẫm nền nhà. Bên trái, lối vào nhà vệ sinh cáu bẩn, nhếch nhác và nhà vệ sinh biến làm nơi chứa bóng. Có lẽ “tươm” hơn cả, đó là phòng tập thẩm mỹ thuộc câu lạc bộ Hec Quyn 5 nằm ngay trên tầng 3 của NTĐ.
Theo ông Khúc Mạnh Tuấn - Giám đốc Trung tâm thể dục thể thao H.Gia Lâm, sở dĩ NTĐ lâm vào tình trạng như vậy là vì các phòng chức năng không được sử dụng thường xuyên nên rất nhanh xuống cấp. Ngoài ra việc duy tu, bảo trì cũng không được thực hiện tử tế.
Quản lý quá yếu
NTĐ Hoàng Mai (Q.Hoàng Mai) được xây dựng để phục vụ thi đấu môn cầu mây tại SEA Games 22. Tương tự như NTĐ Gia Lâm, năm 2009, nhằm phục vụ AIG, NTĐ Hoàng Mai được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Và cũng 4 năm qua, nơi này vẫn chưa tổ chức sự kiện thể thao quy mô
lớn nào khác. Ngoài mỗi năm một giải cầu lông cấp quốc gia ra, tại đây chỉ tổ chức các giải của Q.Hoàng Mai, TP, cũng như những hoạt động văn hóa, chính trị khác. Giám đốc Trung tâm thể dục thể thao Q.Hoàng Mai, ông Đào Hữu Bình, nói: “Không phải quận nào ở thủ đô Hà Nội cũng được xây dựng hẳn một cái NTĐ hiện đại và khang trang thế này đâu. Công nhận là các giải lớn của quốc gia thì còn quá ít. Nhưng bù lại rất hữu ích và thiết thực cho thể thao quần chúng”. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ngoài việc dành ra một phần diện tích để cho thuê làm phòng tập thể hình, trong khuôn viên của NTĐ Hoàng Mai còn nhận trông xe ngày và đêm.
Cũng vì “đói” sự kiện mà NTĐ Gia Lâm cũng đã phải cho Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội và một CLB thể hình thuê. Ông Khúc Mạnh Tuấn, Giám đốc NTĐ, cho biết mỗi năm ở đây tổ chức tới 47 giải thể thao cấp huyện và TP, ngoài ra là các phong trào hoạt động văn hóa, nên không đủ kinh phí để duy tu bảo dưỡng. Do vậy lãnh đạo Trung tâm thể dục thể thao H.Gia Lâm phải tính tới phương án cho thuê như hiện nay. Ông Tuấn cho biết, hằng năm UBND huyện vẫn cấp kinh phí để “nuôi” NTĐ. Tuy nhiên, chỉ với những giải cấp quốc gia hay cấp quận huyện, TP, thì tiền bán vé cũng không đủ trả tiền điện, chứ chưa nói tới kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Hiện NTĐ cũng đang tính cho thuê thêm một phần diện tích để có kinh phí. Điều đó cho thấy cách quản lý và tác động đến hoạt động thể thao của các cơ quan chức năng còn quá thụ động, quá yếu.
Ý kiến Công trình “gây sốc” cho người dân Thỉnh thoảng, tôi thấy xe ô tô quảng cáo chương trình xiếc ở Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, đi lòng vòng khắp đường Lê Đức Thọ và những khu vực xung quanh, rao loa rất rộn ràng. Ban đầu tôi cũng thấy rất ngạc nhiên vì tôi vốn chỉ cho các con tôi đi xem xiếc ở rạp xiếc, cách đây cũng khá xa. Nay xem gần nhà cũng tiện. Nhưng tôi cứ tưởng, khu liên hợp này chỉ để đá bóng thôi chứ. Nay phục vụ cả ăn uống nữa thì cũng thấy kỳ kỳ. (Chị Lê Thanh Hòa - 27 tuổi, bán hàng gần sân vận động trên đường Lê Đức Thọ) Hôm đội tuyển VN đá giao hữu với Malaysia, vì không phải ca trực nên trước khi vào sân, tôi cũng rẽ vào quán ăn ở đó, làm cốc bia. Đi xem bóng đá lại có chỗ để ngồi thư giãn thế này cũng tốt. Nhưng nếu không quản lý chặt chẽ thì quán xá là nơi dễ xảy ra cãi cọ, va chạm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. (Anh Thái Sơn - công an viên, 45 tuổi, làm gần Cung thể thao dưới nước) Tôi thấy hơi nhức mắt vì hàng quán mọc lên ở ngoài Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình. Điều làm tôi băn khoăn là nước ta, khi xây dựng những công trình như thế này, không tính đến hiệu quả lâu dài. Xây là để phục vụ sự kiện thể thao, bóng đá vào ngay lúc ấy thôi. Chứ cách quản lý lâu dài là không tính đến. (Bác Trần Vỹ - 60 tuổi, nhà gần SVĐ)
Vũ trường Mos Club biến tướng từ Cung văn hóa thể thao Thanh niên này khoảng 21 giờ mới đông khách và hoạt động rất muộn, thường thì kéo dài đến hơn 1 giờ sáng, có hôm tận 3 giờ. Tiếng nhạc vọng ra làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của một số hộ dân sinh sống nơi đây. Chưa kể khách chơi khi tàn cuộc kéo nhau ra về, tiếng ô tô đồng loạt nổ máy làm vang động cả khu vực. Rồi tiếng khách gọi nhau, gọi xe taxi í ới rất ồn ào, náo nhiệt… (Chị Vũ Thị Thủy, 40 tuổi, ở đường Lạch Tray, Q.Ngô Quyền, đối diện vũ trường Mos Club) Tôi không hiểu quản lý cơ sở vật chất thể thao kiểu gì mà giờ đây để biến thành vũ trường. Cứ khoảng 21 giờ là taxi chở khách đến vũ trường nườm nượp. Đến 0 giờ lại thi nhau đỗ chật cả khoảng trống ngay trước cửa Cung văn hóa thể thao để đợi khách trong vũ trường làm ảnh hưởng tới việc đi lại của những người dân trong khu vực. Thậm chí có hôm còn xảy ra cãi cọ, xô xát giữa các tài xế taxi do giành khách… (Bà Nguyễn Thị Nhàn, 65 tuổi, nhà ở đường Lạch Tray, bán nước ở cổng Cung văn hóa thể thao) Thái Vân - Hải Sâm |
Hà An
Bình luận (0)