Công trình thể thao biến thái: Nhà thi đấu dành cho hội chợ

16/12/2012 03:00 GMT+7

Với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hàng trăm tỉ đồng nhưng Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) chưa vận hành hết công năng phục vụ sự nghiệp phát triển thể thao thời hậu SEA Games 22.

Với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hàng trăm tỉ đồng nhưng Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) chưa vận hành hết công năng phục vụ sự nghiệp phát triển thể thao thời hậu SEA Games 22.

Đây là công trình lớn kéo dài từ đường Lý Thường Kiệt vòng qua Lữ Gia, Q.11. Với diện tích rộng nhiều héc ta và vị trí rất đẹp, có thể xem là “đất vàng”, nơi đây không chỉ tổ chức các sự kiện thể thao quốc gia, quốc tế mà mỗi ngày còn đón hàng ngàn lượt người đến tập luyện thể dục. Ngoài khuôn viên bên trong nhà thi đấu (NTĐ) rất hiện đại, phía ngoài có đầy đủ sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, đường đi bộ...

 Nhà thi đấu Phú Thọ liên tục tổ chức những hoạt động sai công năng như hội chợ
Nhà thi đấu Phú Thọ liên tục tổ chức những hoạt động sai công năng như hội chợ
- Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thế nhưng trong vài năm trở lại đây, theo phản ánh của người hâm mộ thể thao TP.HCM, nhất là người dân sống gần khu vực NTĐ Phú Thọ, họ không thể đến tập tại đây do nơi này liên tục tổ chức hội chợ, triển lãm. Mỗi hội chợ từ lúc chuẩn bị đến khi bế mạc, dọn dẹp xong, kéo dài cả mười ngày, thậm chí nửa tháng. Có lúc chưa đầy 1 tháng, NTĐ Phú Thọ tổ chức đến 2 chương trình ngoài thể thao. Đơn cử như “Hội chợ khuyến mãi” diễn ra từ 30.8 đến 5.9.2012 và sau đó là “Hội chợ Vietbuild” từ 13 đến 17.9.2012. “Mỗi đợt hội chợ hay triển lãm kéo dài gần 1 tuần. Những lúc như thế, các hoạt động thể thao gần như ngưng lại để phục vụ hoạt động bên ngoài. Các sân đấu bóng rổ, bóng đá mini… đều trưng dụng cho hội chợ, khuôn viên rất rộng ngoài NTĐ - nơi thu hút hàng trăm người dân vào tập thể dục cũng không còn chỗ trống, muốn vào đi bộ cũng không được”, một người dân sống gần khu vực NTĐ Phú Thọ bức xúc.

Do NTĐ cho thuê làm hội chợ quá nhiều nên trong những tháng gần cuối năm 2012, các hoạt động thể thao chính phục vụ người dân ở đây bị “tê liệt”. Giới chuyên môn cũng lo cho các môn thể thao thành tích cao đã được Sở VH-TT-DL TP.HCM giao về NTĐ Phú Thọ quản lý gồm: đấu kiếm, vovinam, đá cầu, cầu mây. Theo họ, việc thường xuyên diễn ra hội chợ, triển lãm vốn ồn ào sẽ ảnh hưởng đến việc tập luyện của các VĐV.

Tính từ đầu năm 2012 đến nay, nơi đây chỉ tổ chức khoảng 7 giải quốc tế và tầm 10 giải quốc gia. Trong đó chỉ vài giải đấu thu hút được quan tâm như giải futsal các CLB châu Á, giải wushu vô địch châu Á, giải

taekwondo châu Á… Không ít người cho rằng việc dành nhiều thời gian để tổ chức hội chợ, triển lãm vốn thu được bộn tiền, trong khi tổ chức giải thể thao chỉ “từ lỗ tới lỗ” dẫn đến tình cảnh hội chợ lấn át thể thao. Rõ ràng việc đặt nặng vấn đề kinh doanh kiếm tiền khiến NTĐ Phú Thọ không thực hiện đúng tiêu chí là nơi ưu tiên số 1 cho người dân chơi thể thao, cho các VĐV đỉnh cao tập luyện.

Giải thích những vấn đề trên, Chủ nhiệm NTĐ Phú Thọ Trần Việt Cường cho biết NTĐ Phú Thọ là đơn vị sự nghiệp tự chủ loại 1, tự trang trải toàn bộ chi phí hoạt động mà không nhận ngân sách từ TP. Các hoạt động xã hội hóa như cho thuê mặt bằng tổ chức hội chợ, triển lãm đều được thực hiện theo đúng quy định nhà nước. Hoạt động này giúp đơn vị có nguồn thu để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị… nhằm phục vụ các hoạt động tập luyện, thi đấu thể thao. Chính hoạt động xã hội hóa đã giúp đơn vị có nguồn thu 15 tỉ đồng tính từ đầu năm 2012 đến hết tháng 11.2012, vượt dự toán giao năm 2012 là 13 tỉ 792 triệu đồng.

Có thể chia sẻ áp lực tài chính với những người gánh trọng trách quản lý NTĐ Phú Thọ bởi mỗi tháng họ phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để bảo quản hệ thống máy lạnh, trả tiền điện… Tuy nhiên chi phí này chỉ là phần nhỏ của nguồn thu rất lớn từ những hoạt động hội chợ được tổ chức dồn dập, khiến người hâm mộ không thể không đặt câu hỏi liệu có nên tổ chức quá nhiều những hoạt động sai công năng như vậy để chèn ép lợi ích của hàng chục ngàn người có nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao tại NTĐ này? Quan trọng hơn cả là phải làm sao trả lại không khí trong lành, khỏe khoắn cho NTĐ bằng những chủ trương đúng đắn và chính sách hợp lý từ những người có trách nhiệm để hoạt động kinh doanh không thể lấn át nhiệm vụ chính là phục vụ hoạt động thể thao. Chỉ có như vậy người chơi thể thao khi đến NTĐ Phú Thọ mới không sống trong cảm giác có công trình phục vụ thể thao nhưng lại bị tước quyền sử dụng.  

Thành Thắng - Hoàng Quỳnh

>> Công trình thể thao biến thái: Tai nạn rình rập ở nhà thi đấu
>> Công trình thể thao biến thái - Lãng phí ở Đà Nẵng
>> Công trình thể thao biến thái: Bệnh viện Thể thao “sống chung với lũ”
>> Công trình thể thao biến thái: Xuống cấp trầm trọng
>> Công trình thể thao biến thái: Hoang tàn nhà thi đấu
>> Công trình thể thao biến thái
>> Đừng để các công trình thể thao bị teo tóp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.