Dự án cấp bách liên tục chậm trễ
Đây là công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư; Công ty CP đầu tư xây dựng Đường Việt (TP.Đà Nẵng) tổ chức khảo sát, thiết kế.
Công trình thủy lợi Suối Đá theo thiết kế sẽ đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới cho 1.000 ha cây nông nghiệp, tăng số lượng canh tác lúa nước từ 1 lên 2 vụ/năm và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt ổn định về sau cho hơn 1.750 hộ dân trong khu vực. Công trình được ngân sách đầu tư 90 tỉ đồng, được xếp vào nhóm dự án (DA) cấp bách và thực hiện không quá 5 năm, từ 2016 - 2020. Thực tế đến nay DA vẫn chưa hoàn thành và liên tục xin gia hạn. DA được khởi công tháng 11.2017, theo kế hoạch ban đầu được hoàn thành tháng 11.2019. Sau đó DA xin gia hạn đến 31.12.2020 rồi tiếp tục xin gia hạn đến 31.3.2021. Vừa qua, chủ đầu tư lại tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông cho gia hạn đến ngày 30.6.2021.
Làm việc với đoàn giám sát HĐND tỉnh Đắk Nông ngày 29.3, chủ đầu tư “đổ” nguyên nhân do điều kiện thi công tuyến kênh phức tạp, địa chất thay đổi liên tục…
Hệ lụy nhà nông gánh
Trong khi đó, theo báo cáo ngày 29.3 của chủ đầu tư, công trình đã hoàn thành được 95%. Trong đó, đập tràn thuộc khu tưới tràn dâng đã thi công xong 100% khối lượng theo hợp đồng; đang tiến hành tích nước từ tháng 8.2018 để người dân sử dụng nước từ lòng hồ tưới cho cây trồng. Tuy nhiên, cũng trong ngày 29.3, khi HĐND tỉnh Đắk Nông kiểm tra thực tế và theo ghi nhận của PV Thanh Niên thì đập tràn trơ đáy.
|
Ngoài ra, việc thiết kế, thi công công trình được cho là “có vấn đề”, khi kênh dẫn nước nằm sâu dưới lòng đất, cách mặt ruộng lúa của người dân gần 3 m. Ông Y Quang B’Krông, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông, nói thẳng: “Lần đầu tiên tôi thấy một công trình thủy lợi nằm sâu dưới đất như thế. Nếu khi đưa vào vận hành, hệ thống tắc hay gặp sự cố thì chúng ta phải xử lý như thế nào?”.
Giải thích cho sự bất thường trên, đại diện chủ đầu tư cho rằng DA chỉ đưa nước về một điểm chứa nước tập trung, rồi sau đó dân tự dùng máy bơm để bơm nước vào ruộng (!?). “Dân nghèo đâu phải ai cũng có tiền để mua máy bơm”, một thành viên đoàn giám sát phản biện.
Công trình thủy lợi liên tục chậm trễ và bất thường trong thiết kế đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhiều diện tích lúa nằm cạnh công trình này đang bị “chết cháy”.
Theo người dân trồng lúa ở xã Quảng Hòa, những năm trước, khi còn con kênh cũ, nước từ hồ chứa dẫn trực tiếp về ruộng. Việc thi công kênh mới khiến kênh cũ không còn hoạt động. “Năm nay nhà tôi trồng 3 sào lúa, không có nước tưới nên đành bỏ mất trắng. Lúc trước trồng lúa không phải lo thiếu nước, năm nay ruộng đồng nứt toác vì thiếu nước. Những hộ xung quanh có máy nổ chạy nước còn có thể cứu được ruộng lúa, tuy nhiên năng suất giảm mạnh so với trước”, anh Tráng A Tống (thôn 12, xã Quảng Hòa) bức xúc.
Ngoài công trình thủy lợi Suối Đá, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Đắk Nông còn là chủ đầu tư công trình phòng chống hạn tại xã Buôn Chóah, H.Krông Nô; Công ty CP đầu tư xây dựng Đường Việt (Đà Nẵng) tư vấn thiết kế công trình, mà Thanh Niên ngày 22.3 phản ánh qua bài viết Công trình chống hạn 200 tỉ đồng... thiếu nước. Cả 2 công trình này đang gây bức xúc cho người dân tỉnh Đắk Nông.
|
Ông Nguyễn Bá Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hòa, cho biết: “Xã Quảng Hòa là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Đắk Nông. Khi nghe có DA thủy lợi, bà con nông dân trong xã rất phấn khởi, cho rằng đây sẽ là cơ hội đổi đời. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, không chỉ bà con trong xã mà cả chính quyền địa phương cũng đang dần mất kiên nhẫn và cảm thấy đau lòng vì công trình này”.
Đã giải ngân hết 76 tỉ đồng
Trước những bất thường của DA công trình thủy lợi Suối Đá, ông Nguyễn Ngọc Khoa, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Đắk Nông, nói: “Ruộng nằm ngay kênh nước mà không có nước thì không hiểu thiết kế kiểu gì. 90 tỉ đồng bỏ ra có đạt được mục tiêu phục vụ hơn 1.000 ha đất sản xuất không?”.
Trong khi đó, cho đến nay, chưa có một cam kết nào về việc lần hẹn vào 30.6 tới, công trình sẽ về đích. “Giờ đã giải ngân hết 76 tỉ, thế thì kinh phí còn lại chưa tới 14 tỉ, vậy nguồn đâu để giải quyết vấn đề? Và đây là DA cấp bách, đòi hỏi phải hoàn thành để đạt mục tiêu chống hạn nhưng cuối cùng lại chậm tiến độ tới 3 lần. Bây giờ giả sử các cấp có thẩm quyền cho gia hạn, thì đến bao giờ xong công trình này?”, ông Nguyễn Đức Hải, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Đắk Nông, nói.
Bình luận (0)