Ủi đất, phá đá ngay dưới chân đập thủy lợi

Mạnh Cường
Mạnh Cường
27/03/2020 13:38 GMT+7

UBND H.Đại Lộc (Quảng Nam) cấp phép cho một đơn vị san ủi đất, phá đá ngay dưới chân đập Trà Cân khiến người dân địa phương lo lắng, bởi công trình nằm ngay sát miệng đập.

Nguy hiểm rình rập

Hàng trăm hộ dân có nhà ở hạ lưu đập thủy lợi Trà Cân (xã Đại Hiệp, H.Đại Lộc) lo lắng trước việc khu đất nằm ngay chân đập của bờ đập chính và tràn xả lũ đang được san ủi, phá đá. PV Thanh Niên tới hiện trường và ghi nhận khu vực cách chân đập Trà Cân chưa đầy 10 m đã được san ủi như ruộng bậc thang, đất đá ngổn ngang. Bờ suối kết nối với đập tràn cũng bị san đá để lấy mặt bằng. Nhiều cột trụ bê tông đúc sẵn nằm la liệt...
Ông N.H (thôn Phú Hải, xã Đại Hiệp) cho biết khoảng tháng 12.2019, một đơn vị đã đưa xe múc vào khu vực dưới chân đập san ủi để xây dựng dự án. Khu vực này trước đây được bao phủ bởi cây xanh nên hạn chế xói mòn, sạt lở.
“Việc san ủi cây rừng thành đồi trọc đã tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt chân đập chứ đừng nói đến việc ủi núi đất, đá để thực hiện dự án như hiện tại. Đặc biệt, nếu xảy ra sạt lở thì những tảng đá khổng lồ nằm ngổn ngang có nguy cơ lăn xuống nhà dân”, ông H. nói. Theo ông, công trình xây dựng ở đó còn ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu đập.
Ông V.H (ở thôn Phú Hải) cho rằng theo quy định, một công trình xây dựng dưới chân đập thì phải cách ít nhất 300 - 500 m, trong khi công trình mà huyện cấp phép cho doanh nghiệp san ủi để xây dựng chỉ cách chân đập chưa đầy 10 m.
“Dự án ngay “trên đầu” nhà dân là không thể chấp nhận được! Đã nhiều lần người dân kiến nghị địa phương xem xét cho dừng dự án”, ông V.H lo lắng nói. Cũng theo ông: “Mục tiêu dự án là cho doanh nghiệp bóc lớp thực bì để trồng lại rừng và cây ăn quả, nhưng thực tế hiện trường là san ủi để xây dựng một khu du lịch sinh thái ngay dưới chân đập”.

Cấp phép mà chưa tính độ rủi ro

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó chủ tịch UBND xã Đại Hiệp, cho biết dự án này được UBND H.Đại Lộc cấp phép cho ông Lê Văn Bích (ở TT.Ái Nghĩa, H.Đại Lộc, chủ doanh nghiệp tư nhân Bích Đại Lộc) dọn thực bì để trồng lại rừng sản xuất và cây ăn quả hồi tháng 12.2019. Trước khi cấp phép, huyện không tính đến độ rủi ro an toàn hồ đập bởi cho rằng sẽ không thay đổi thực trạng đất của hồ đập. Ngày 23.3, đoàn công tác UBND H.Đại Lộc và các ban ngành khác đến hiện trường kiểm tra, đo đạc lại tổng diện tích (kể cả diện tích tác động đến đập Trà Cân).
Theo ông Tịnh, doanh nghiệp làm sai (so với cấp phép) tới đâu thì còn phải chờ tổ công tác của huyện đi kiểm tra, đánh giá lại. Hiện chính quyền huyện đã có biên bản yêu cầu đơn vị này tạm dừng thi công.
Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Đại Lộc, xác nhận địa phương đã giao kiểm tra và đang chờ kết quả báo cáo. “Khu này trước đây là rừng sản xuất nên đơn vị xin đưa phương tiện vào dọn thực bì để trồng rừng, chứ không làm gì cả. Cái này luật Lâm nghiệp cho phép. Còn việc đơn vị này có sai phạm gì hay không thì còn phải chờ kết quả của đoàn báo lên”, ông Mẫn nói.
Đập thủy lợi Trà Cân xây dựng từ năm 1985, có diện tích lưu vực của hồ 4 km2, dung tích chứa hơn 2,1 triệu m3, cao trình đỉnh đập 119,2 m, chiều cao đập lớn nhất 15 m. Hồ thủy lợi đảm bảo việc tưới tiêu cho hơn 100 ha lúa và hoa màu ở H.Đại Lộc. Công trình này hiện được HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Hiệp quản lý, khai thác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.