Công trình xanh trên quê hương Tháp Mười

06/07/2012 09:02 GMT+7

Bây giờ đi đến đâu tại 13 xã, thị trấn của huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cũng có thể gặp được những công trình đậm dấu ấn Mùa hè xanh của các chiến sĩ ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM).

Những con đường dài dẫn vào từng ngõ ngách nhỏ, những chiếc cầu bêtông nối nhịp hai đầu đã trở thành người bạn thân thiết với vùng quê nghèo. Ba mùa chiến dịch đi qua, có biết bao công trình như thế đã và sẽ còn ở lại với bà con.

Nơi giọt mồ hôi rơi xuống

Chúng tôi tìm về xã Thanh Mỹ, đi qua cây cầu và con đường đã vận hành được hơn một năm qua dẫn vào ấp Lợi Hòa. Nhiều bà con vẫn chưa quên không khí nô nức của những ngày cùng chiến sĩ làm đường, xây cầu. Bước đi trên con đường mới, chỉ tay về phía cây cầu đã qua sử dụng cả năm nhưng còn khá mới, cô Tư Thương cười tươi: “Nhờ có cầu và con lộ này mà khi trời mưa gió, lỡ có việc cần phải đi gấp cũng không còn lo đường trơn trượt, té xe nữa”.

Ngày này năm trước, khi chiến sĩ Mùa hè xanh ĐH Bách khoa về Thanh Mỹ - nơi nổi tiếng với những vườn ổi trĩu quả của Đồng Tháp - giá ổi cao lắm cũng chỉ 500 đồng/kg. Nhà vườn không buồn thu hoạch, thương lái cũng ngại vào vì đường đi vất vả, chi phí vận chuyển cao quá. “Nhờ cây cầu và con đường của Mùa hè xanh mà bây giờ xe ba gác vô tới vườn, giá ổi tăng lên, có lúc tới 5.000 đồng/kg, còn hiện tại dù dao động nhưng cũng khoảng 3.000 đồng/kg, vậy là bà con có lời rồi” - bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, phó chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, khẳng định.

Mầm xanh cho ngày mai

Những con đường mới, những cây cầu mới đang dần thành hình qua mỗi ngày, dù Mùa hè xanh năm nay ở Tháp Mười mới bắt đầu chưa được một tuần. Hôm làm con đường tại ấp Mỹ Phú, xã Phú Điền, nhiều người dân tranh thủ công việc để ra cùng làm. Vừa phụ vác đá, chú Ba Hùng chia sẻ: “Làm được con lộ này thiệt mừng lắm. Chính quyền cũng hứa nhiều lần, dân chờ cũng lâu lắm rồi, may mà có mấy cháu Mùa hè xanh về làm, bà con thiệt cảm ơn hết sức”. Mỗi nhà nơi con đường đi qua đều có ít nhất một người cùng ra phụ.

Ngày biết tin con đường dẫn vào trường học tại ấp 4, xã Đốc Binh Kiều được chọn là một trong những công trình của Mùa hè xanh năm nay, bà con ai cũng chộn rộn chờ đến ngày khởi công. Ngày cao điểm thực hiện công trình, cả người dân địa phương và chiến sĩ phải đến hơn trăm người cùng làm. Đàn ông phụ khuân vác đất đá, trộn bêtông, phụ nữ chạy xuôi ngược lo nước uống, trái cây.

Cô Ba Điệp - người dân ấp 4 - bày tỏ: “Có con đường dẫn vô trường học cho tụi nhỏ khô ráo vô lớp là bà con ở đây khoái rồi. Con đường này vô mùa mưa đến đi bộ cũng khó chứ nói gì đi xe. Nhiều bữa không có đường, thầy cô giáo không đến lớp được coi như tụi nhỏ bỏ học hết ráo”.

Ngay trước khi chiến sĩ đổ quân về địa bàn, tất cả công đoạn khảo sát vị trí làm đường, xây cầu đều được hoàn tất chu đáo. Các cọc nhồi, trụ cầu của nhiều cây cầu đã được đóng xuống lòng kênh. Những dầm cầu nặng hàng tấn cũng được sà lan chuyển về sát chân cầu, đợi cần cẩu gác lên để các chiến sĩ tiếp tục công việc bẻ sắt, đổ bêtông mặt cầu.

Trực tiếp khảo sát và cùng làm đường với chiến sĩ, chủ tịch UBND huyện Tháp Mười Ngô Văn Nâu nhấn mạnh: “Những cây cầu, con đường các bạn thực hiện ba năm qua đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên quê hương chúng tôi, góp phần vào quá trình xây dựng thành công nông thôn mới tại Tháp Mười”.

Trường học lớn

Nói về 22 cây cầu bêtông, gần 50km đường giao thông nông thôn cùng hàng chục căn nhà và biết bao công trình khác đã thực hiện tại huyện Tháp Mười ba mùa chiến dịch liên tiếp, PGS.TS Trần Thiên Phúc - phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa - tự hào: “Chẳng có trường học nào lớn cho bằng được học từ thực tế, từ trường đời, và Mùa hè xanh là trường học lớn cho mỗi sinh viên của chúng tôi rèn luyện nhưng cũng học được rất nhiều”.

Điều này được minh chứng bằng việc nhiều sinh viên năm thứ ba khoa kỹ thuật xây dựng đã tham gia đội hình chuyên xây cầu trong chiến dịch, để hoàn thiện khóa thực tập trong chương trình học. Đi hết 30 ngày Mùa hè xanh, sinh viên khoa nào của trường cũng có thể làm đường, xây cầu khá thuần thục. Bạn Nguyễn Anh Tú - khoa môi trường - tự tin: “Qua mấy ngày làm là quen mắt, quen tay nên khi đong đếm vật liệu dù không cần dụng cụ và chỉ ước lượng, nhắm chừng nhưng đảm bảo rất đúng chuẩn”.

Những công trình không chỉ là dấu ấn mà còn trở thành “thương hiệu” đặc trưng của Mùa hè xanh ĐH Bách khoa. “Thương hiệu” ấy nói như lời bà Trần Thị Thái - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - khi lên TP.HCM đón chiến sĩ: “Ba năm trước nhiều bà con còn bỡ ngỡ khi nghe nói đến chiến dịch Mùa hè xanh, nhưng bây giờ chỉ cần nhắc Mùa hè xanh là nhiều người dân Đồng Tháp sẽ nhắc ngay đến các chiến sĩ Bách khoa”.

“Phương thức 3 năm”

Bắt đầu từ năm 2001, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thực hiện “Phương thức 3 năm”, tức là chiến dịch Mùa hè xanh của trường sẽ gắn bó với một địa bàn nào đó trong ba năm liên tiếp. Phương thức này đến nay bước vào năm thứ 12, với các địa bàn đã đóng quân: Giồng Trôm, Thạnh Phú (Bến Tre), Tiểu Cần (Trà Vinh) và Tháp Mười (Đồng Tháp).

Cả trăm cây cầu bêtông, hàng trăm kilômet đường giao thông liên ấp, hàng chục căn nhà, phòng học mẫu giáo, nhà văn hóa ấp, các công trình lọc nước, thắp sáng đường làng, sử dụng điện an toàn... sẽ còn ở lại mãi với bà con nơi chiến dịch đi qua.

Theo Quốc Linh / Tuổi Trẻ

>> Hưởng ứng “Lễ trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”
>> Hàng trăm người tham gia trồng cây xanh trên xa lộ Hà Nội
>> Phát hiện vụ trồng cây cần sa lớn nhất ở Bạc Liêu
>> Xây nhà, trồng cây chờ đền bù
>> Nhiều nương rẫy trồng cây thuốc phiện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.