'Công trường' gỗ lậu ở Ia Grai

27/04/2021 05:19 GMT+7

Có mặt tại 'công trường' gỗ lậu ở khu vực sông Sê San, xã Ia O (H.Ia Grai, Gia Lai), tại các ốc đảo trên dòng sông Sê San, chúng tôi chứng kiến nhiều cây gỗ đã bị lâm tặc cưa thành lóng hoặc xẻ hộp.

Hàng trăm lóng gỗ tròn, gỗ xẻ đã được lâm tặc tập kết ở trên bờ và dưới lòng hồ thủy điện Sê San 4 thuộc xã Ia O, H.Ia Grai (Gia Lai).
Chúng tôi có mặt tại “công trường” gỗ lậu ở khu vực sông Sê San, xã Ia O vào ngày 25.4. Tại các ốc đảo trên dòng sông Sê San, nhiều cây gỗ đã bị lâm tặc cưa thành lóng hoặc xẻ hộp. Vết cắt còn khá mới, chứng tỏ gỗ được khai thác chưa lâu. Dưới lòng hồ thủy điện Sê San 4, rất nhiều lóng gỗ có đường kính khoảng 40 - 50 cm được giấu dưới nước. Trong khi chúng tôi tiếp cận hiện trường, có một số người lạ mặt tới chửi mắng, hăm dọa. Nằm giáp ranh với tỉnh Kon Tum, khu vực này nhiều năm nay luôn là điểm nóng về gỗ lậu.
Trước đó, tối 19.4, tổ tuần tra của Đồn biên phòng Ia O phối hợp với Phòng Phòng chống tội phạm và ma túy, Công an tỉnh Gia Lai tuần tra trên khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4 thuộc xã Ia O đã phát hiện vụ vận chuyển gỗ lớn. Cụ thể, một sà lan đang chở 1 xe tải mang biển số 47C - 01.523, trên xe có 24 lóng gỗ với khối lượng 4,6 m3 gỗ trái phép.
Chủ sà lan là Nguyễn Nguyên Khương (42 tuổi, trú tại P.Ia Kring, TP.Pleiku, Gia Lai). Chủ xe tải là Nguyễn Đức Nam (34 tuổi, trú tại TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Tại thời điểm kiểm tra, những người này không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số lâm sản. Cơ quan chức năng đã lập biên bản tạm giữ tang vật vi phạm, đưa toàn bộ số gỗ tang vật và phương tiện trên về Đồn biên phòng Ia O để xử lý.
Tiếp đó, ngày 22.4, Đồn biên phòng Ia O phối hợp với Hạt kiểm lâm H.Ia Grai phát hiện thêm 96 hộp gỗ xẻ bị khai thác trái phép, khối lượng hơn 2,2 m3 tại khoảnh 1, tiểu khu 334 thuộc xã Ia O.
Sáng 25.4, đoàn liên ngành của tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4, đã xác định có 2 địa điểm tập kết lâm sản trên một ốc đảo tại khoảnh 1, tiểu khu 334 thuộc xã Ia O.
Theo đó, tại vị trí thứ nhất, đoàn phát hiện 7 khúc gỗ, phần thân gỗ nằm dưới nước, chỉ có 1 phần đầu khúc gỗ nhô lên khỏi mặt nước có đường kính khoảng từ 15 - 20 cm, chưa xác định được chủng loại. Vị trí thứ hai có 22 khúc gỗ phần thân gỗ nằm dưới nước, có đường kính khoảng từ 10 - 25 cm.
Mở rộng kiểm tra, đoàn công tác phát hiện tại hiện trường có 3 tời cáp thủ công làm bằng gỗ dùng để trục vớt gỗ và 7 lò than. Tất cả các bãi có gỗ, củi, tời kéo gỗ, lò than đều nằm cạnh vườn điều của hộ gia đình ông Trần Văn Tuấn, là một trong 7 hộ gia đình đang sinh sống trên ốc đảo. Tại các bến sông thuộc dòng Sê San, lâm tặc đã độ chế nhiều thuyền máy để vận chuyển gỗ. Một số lò than và phương tiện khai thác gỗ cũng được tìm thấy chứng tỏ sự tồn tại của công trường gỗ lậu lớn ở khu vực này.
Đoàn liên ngành đã khẩn trương báo cáo vụ việc lên UBND tỉnh Gia Lai và tỉnh này đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc, xử lý theo quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.