‘Công tử Bạc Liêu’: đầy rực rỡ và sáng tạo

19/12/2024 15:00 GMT+7

Bộ phim ‘Công tử Bạc Liêu’ tạo được dấu ấn không chỉ nhờ vào cốt truyện hấp dẫn mà còn bởi sự đầu tư công phu vào trang phục và bối cảnh, mang đến một góc nhìn rất sáng tạo về một giai đoạn lịch sử thú vị của miền Nam Việt Nam.

Công tử Bạc Liêu là phim điện ảnh mới nhất do đạo diễn Lý Minh Thắng cầm trịch, sản xuất bởi Xưởng phim Màu Hồng. Lấy cảm hứng từ những giai thoại nổi tiếng về vị công tử được mệnh danh là "thiên hạ đệ nhất chơi ngông", bộ phim xoay quanh cuộc đời của cậu Ba Hơn (Song Luân) - con trai của ông Hội đồng Lịnh (NSƯT Thành Lộc) giàu nhất xứ Bạc Liêu. Vừa du học Pháp về, cậu Ba Hơn đã khiến khắp Nam Kỳ phải xôn xao bằng những ý tưởng táo bạo, độc đáo, đầy chất ngông và dường như chưa từng xuất hiện trong xã hội những năm 1930. Những hành động của Ba Hơn vấp phải sự phản đối của cha, song cũng nhận được nhiều ủng hộ từ em gái thứ sáu (Kaity Nguyễn), từ đó giúp anh dần nhận ra đúng - sai và khám phá được bản ngã của mình.

‘Công tử Bạc Liêu’: đầy rực rỡ và sáng tạo- Ảnh 1.

Tái hiện sống động không gian rực rỡ của An Nam đầu thế kỷ 20

Bối cảnh trong Công tử Bạc Liêu là một trong những điểm sáng lớn nhất của phim. Đội ngũ sản xuất đã đầu tư lớn vào việc phục dựng lại không gian sống của tầng lớp thượng lưu đầu thế kỷ 20. Không gian trong và ngoài căn biệt thự của gia đình Công tử Bạc Liêu được sắp xếp lại để phù hợp với câu chuyện phim, đồng thời vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của thế kỷ trước. Những bộ bàn ghế gỗ chạm khắc tinh xảo, đèn chùm pha lê lộng lẫy, máy nghe nhạc cổ điển và nhiều vật dụng trang trí đắt giá khác tôn lên sự sang trọng của căn biệt thự, mang đến cảm giác chân thực về cuộc sống xa hoa của tầng lớp thượng lưu. Các cảnh quay trong phòng khách, phòng ăn, hay khu vực sân vườn đều được sắp xếp khéo léo để khán giả có thể cảm nhận được nếp sống sang trọng, "tiền tiêu ba đời không hết" của nhà Hội đồng Lịnh.

‘Công tử Bạc Liêu’: đầy rực rỡ và sáng tạo- Ảnh 2.

Ngoài căn biệt thự chính, phim Công tử Bạc Liêu còn ghi dấu ấn với khán giả qua các bối cảnh mang đậm hơi thở lịch sử. Lãnh sự quán Pháp là một trong những địa điểm quan trọng được tái hiện khắc họa rõ nét mối quan hệ giữa giới thượng lưu miền Nam và chính quyền Pháp thời bấy giờ. Các cảnh quay tại đường phố Sài Gòn, hí trường Nam Kin, sàn đấu đấm bốc và những bữa tiệc thượng lưu được tái hiện chân thực đến từng chi tiết nhỏ, tất cả gợi lên cảm giác sống động về cuộc sống nhộn nhịp của người dân miền Nam trong thập niên 1930-1940.

Một trong những điểm nhấn đáng nhớ nhất của phim là sự xuất hiện của chiếc máy bay trị giá 100kg vào thời giá những năm 30 - biểu tượng của sự xa hoa và đẳng cấp mà Ba Hơn bằng mọi giá phải thực hiện. Có thể nói đây là lần đầu tiên một người Việt Nam sở hữu bằng lái máy bay, tự tay điều khiển chiếc máy bay tư nhân do chính anh mua. Chiếc máy bay gây choáng ngợp về mặt thị giác, thể hiện rõ tính cách táo bạo, phong thái phóng khoáng của nhân vật chính. Đây cũng là đạo cụ được ê-kíp tái hiện công phu nhất, với chi phí đến 500 triệu đồng và 4 tháng để hoàn thành.

Điện ảnh hóa phục trang, đặc biệt là sự lên ngôi của áo dài

Phục trang trong Công tử Bạc Liêu không chỉ đóng vai trò tái hiện lịch sử thời kỳ mà còn được cách điệu để phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh hiện đại. Với sự đầu tư kỹ lưỡng của Giám đốc sản xuất - Nhà thiết kế Thủy Nguyễn, Công tử Bạc Liêu biến màn ảnh rộng trở thành một sàn diễn đầy sống động của hình ảnh, âm thanh và cảm xúc. Dù miền Nam Việt Nam đang trong giai đoạn Pháp thuộc, nét đẹp của người Việt vẫn bừng sáng với sự giao thoa giữa truyền thống văn hóa lâu đời và những làn gió đổi mới của phương Tây.

‘Công tử Bạc Liêu’: đầy rực rỡ và sáng tạo- Ảnh 3.

Trong khoảnh khắc giao thời ấy, những tà áo dài Lemur với cổ áo, tay áo cách tân bèo nhún thanh thoát, những chiếc mấn đính đá cầu kỳ, âm thanh của nghệ thuật cải lương đã cùng hòa quyện, tạo nên không gian văn hóa đậm chất điện ảnh. Đặc biệt, dù quần áo, phụ kiện được điện ảnh hóa so với nguyên bản nhưng vẫn hòa hợp với lịch sử, thể hiện rõ phong cách của những ông bà hội đồng, công tử, tiểu thư thời xưa. Sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc, họa tiết hiện đại và kiểu dáng truyền thống đã mang đến một diện mạo vừa cổ điển vừa trẻ trung, phản ánh sự cách tân tinh tế của ê-kíp sáng tạo trong Công tử Bạc Liêu.

Câu chuyện "thương hiệu cá nhân" trong kinh doanh được lồng ghép vào màu phim hoài cổ

Phim Công tử Bạc Liêu sử dụng tông màu tổng thể trầm ấm, hơi ngả vàng, mang đến cảm xúc hoài cổ. Ánh sáng được bố trí tinh tế, làm nổi bật vẻ đẹp kiến trúc và phục trang của từng phân cảnh. Những buổi tiệc đêm với ánh sáng đèn chùm lung linh hay những cánh đồng lúa Bạc Liêu cò bay thẳng cánh đều được xử lý khéo léo để tạo nên cảm giác vừa thơ mộng vừa hoài niệm.

‘Công tử Bạc Liêu’: đầy rực rỡ và sáng tạo- Ảnh 4.

Ngoài hình ảnh và bối cảnh ấn tượng, Công tử Bạc Liêu còn mang thông điệp thú vị về việc xây dựng thương hiệu và hình ảnh cá nhân trong kinh doanh. Bộ phim khéo léo khai thác khía cạnh chưa từng được nhắc đến: cách Công tử Bạc Liêu tận dụng danh tiếng của lối sống xa hoa và ngông nghênh như một công cụ xây dựng hình ảnh bản thân. Thậm chí, dù ông Hội đồng Lịnh không hài lòng với những chiêu trò chơi nổi của con trai, ông vẫn phải thừa nhận rằng "kể từ khi Ba Hơn về nước, cả xứ Nam Kỳ ai cũng nhắc đến tên Công tử Bạc Liêu". Vào những năm 30 của thế kỷ trước, "thương hiệu cá nhân" là một khái niệm chưa từng xuất hiện, vậy mà Ba Hơn đã biết cách khiến người khác không thể quên mình. Vì thế, vượt trên cả những giai thoại "tiêu hoang", Công tử Bạc Liêu có lẽ thật sự là một người có tầm nhìn vượt thời đại.

Công tử Bạc Liêu đang chiếu tại rạp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.