Công ty chứng khoán lại chạy đua hút vốn bằng cổ phiếu

Mai Phương
Mai Phương
28/02/2022 16:24 GMT+7

Nhiều công ty chứng khoán sẽ huy động hàng ngàn tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu mới.

Sau làn sóng tăng vốn khủng năm vừa qua, năm nay nhiều công ty chứng khoán tiếp tục lên kế hoạch huy động vốn thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu mới. Cụ thể, Công ty chứng khoán VNDirect (VND) thông báo 11.3 là ngày đăng ký cuối cùng thực hiện lập danh sách cổ đông thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm và nhận cổ phiếu phát hành do tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Công ty sẽ phát hành gần 435 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1:1 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và phát hành 347,9 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 80% từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tổng cộng VNDirect sẽ phát hành 782,9 triệu cổ phiếu, tăng vốn từ 4.349 tỉ đồng lên 12.177 tỉ đồng cho mục tiêu tăng quy mô vốn hoạt động, mở rộng năng lực cho vay ký quỹ, kinh doanh trên thị trường vốn, bảo lãnh phát hành trái phiếu… Trong năm 2021, công ty này đã thực hiện phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 và phân phối cho cổ đông khác, đưa vốn điều lệ khi đó tăng gấp đôi từ mức 2.145 tỉ đồng lên mức như hiện tại là 4.349 tỉ đồng.

VNDirect tiếp tục phát hành lượng lớn cổ phiếu để tăng vốn gấp đôi

M.P

Vào gữa tháng 2, Công ty chứng khoán ASC đã thông qua việc đổi tên thành Công ty chứng khoán VPBank (VPBank Securities). Đại hội cổ đông đã thông qua phương án chào bán hơn 865 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ gấp 33 lần lên 8.920 tỉ đồng. Đồng nghĩa, đơn vị này sẽ có quy mô vốn điều lệ đứng thứ hai trên thị trường, chỉ đứng sau chứng khoán SSI (9.848 tỉ đồng).

Còn Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) thông báo sẽ phát hành 325,3 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 1:1. Cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu mới. Từ đó vốn điều lệ sẽ được nâng lên mức 6.505 tỉ đồng. Tương tự, trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vào ngày 11.3 tới, Công ty chứng khoán Tiên Phong (ORS) lên kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỉ đồng hiện nay lên 5.000 tỉ đồng. Công ty chứng khoán Đại Nam (DNSE) cũng sẽ chào bán 200 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần, từ 1.000 tỉ đồng hiện nay lên 3.000 tỉ đồng. Cũng tham gia vào cuộc đua, Công ty chứng khoán APG đầu năm nay vừa chào bán thành công hơn 74 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên hơn 1.463 tỉ đồng và sẽ tiếp tục chào bán thêm cổ phiếu để tăng vốn lên hơn 4.000 tỉ đồng trong năm nay nhằm gia tăng năng lực phục vụ nhu cầu khách hàng...

Theo Công ty cổ phần chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán tăng đều kể từ năm 2020. Tốc độ tăng trưởng trung bình hằng quý trong năm 2020 và 2021 lần lượt là 15% và 19%. Kết quả, dư nợ margin tính đến cuối năm 2021 ở mức cao nhất lịch sử với khoảng 170.000 tỉ đồng, tăng 98,7% so với cuối năm 2020. Tại thời điểm cuối tháng 12.2021, tỷ lệ margin của 8/10 công ty có dư nợ margin lớn nhất đã chạm 150%. Vì vậy, các công ty chứng khoán tiếp tục lên kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn để có thể cải thiện năng lực cho vay margin. Theo KIS, việc tăng vốn đã trở thành chủ đề chính cho các công ty chứng khoán trong năm 2021 và 2022, nhằm giúp doanh nghiệp có thể cung cấp vốn cho hoạt động cho vay margin và nâng cấp hệ thống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.