Không ít công ty chứng khoán tự tiện sử dụng tiền trong tài khoản giao dịch của nhà đầu tư, đến khi nhà đầu tư muốn rút tiền mặt thì phải dài cổ chờ do công ty mất thanh khoản.
Chỉ đến khi công ty chứng khoán (CTCK) bị mất thanh khoản, nhiều nhà đầu tư (NĐT) mới giật mình nhận ra, tiền gửi của họ không được bảo hiểm, không được ngân hàng quản lý theo quy định, có thể bị "qua mặt" sử dụng mà không biết... Họ hoàn toàn có thể mất trắng số vốn của mình tại các CTCK.
''Tính trung bình, doanh thu của mỗi CTCK hiện chỉ 2,3 tỉ đồng phí giao dịch/tháng, không đủ để duy trì bộ máy hoạt động'' - Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế TP.HCM |
Không thể rút tiền
Đến lúc này, các NĐT muốn rút tiền mặt tại CTCK SME là không thể, phải chờ ít nhất vài tuần nữa. Điều này rất vô lý bởi số dư tiền mặt trên tài khoản vẫn báo đầy đủ, NĐT muốn giao dịch vẫn được. Nhưng muốn rút tiền mặt thì... bó tay.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao tiền trong tài khoản của NĐT lại "không cánh mà bay"? Đó là do CTCK đã lén lút sử dụng trái phép tiền của họ. Cách phổ biến là lấy tiền của NĐT này cho NĐT khác vay làm đòn bẩy tài chính. Với vai trò trung gian, giao dịch càng nhiều thì CTCK càng có lợi nên họ ra sức lấy của người này cho người kia vay để mua. Hết mua lại cho mượn cổ phiếu để bán khống. Khi chứng khoán tăng trưởng thì mọi việc êm thấm vì "cả nhà cùng vui". Nhưng "đi đêm lắm tất có ngày gặp ma". Kiểu xào qua xào lại thế này rủi ro vô cùng lớn vì chỉ cần NĐT đột ngột rút một khoản tiền lớn hay một khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính thua lỗ, chưa thể hoàn tiền đúng thời hạn... là công ty rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận xét, nếu nhìn về quy mô, nhiều CTCK không thua gì các ngân hàng nhỏ trên thị trường hiện nay. Vào thời điểm chứng khoán tăng trưởng, việc quản lý vài ngàn tỉ đồng của NĐT tại các CTCK không phải hiếm. Nên để các CTCK giữ tiền của NĐT là vô cùng rủi ro. Rủi ro này đã lộ diện và đang có nguy cơ lan rộng sang các CTCK khác; gây lo ngại cho toàn thị trường.
|
Lỗi ở cơ quan quản lý
Theo quy định của luật Chứng khoán, CTCK không được quản lý tiền của NĐT. Nhưng trên thực tế, 80% CTCK vẫn nắm chặt "hầu bao" khách hàng nên mới dẫn đến sự việc mất thanh khoản của SME như nói trên. Cũng vì trực tiếp giữ tiền của NĐT nên thời gian qua, các CTCK lao vào các nghiệp vụ không được phép như ứng trước, cầm cố, ký quỹ hay chiếm dụng lãi tiền gửi của khách hàng... làm méo mó thị trường. Lỗi này đầu tiên, theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, là do cơ quan quản lý đã thiếu kiên quyết trong việc "bắt" các CTCK thực hiện việc tách bạch tiền gửi của NĐT theo quy định. Nhiều CTCK đã viện những cớ rất vô lý về công nghệ, máy móc chưa... tương thích để giữ tiền của khách hàng. Điều này là hết sức vô lý bởi chỉ với vốn tối thiểu theo quy định, họ cũng đủ sức để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Nói một ví dụ như vậy để thấy, sự thiếu quyết liệt của cơ quan quản lý trong việc này. Vì vậy, để bảo đảm an toàn vốn cho NĐT, phải gấp rút thực hiện tách bạch tiền gửi của NĐT ra khỏi CTCK.
Mất thanh khoản đang lan rộng - Đầu tháng 11, SME bị Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) đình chỉ hoạt động lưu ký 1 tháng (3.11 -3.12.2011) do đã nhiều lần vi phạm quy chế thành viên trong việc nộp tiền thanh toán bù trừ. Đến ngày 5.12, SME lại không thể thanh toán được các khoản phải trả cho lệnh mua (khớp lệnh vào ngày 30.11) đến hạn thanh toán. Quy mô giao dịch bị hủy lần này vào khoảng hơn 3 tỉ đồng, tức là gấp hai lần so với lần vi phạm cách đây một tháng. Đến hôm qua, các NĐT muốn rút tiền ở SME đã không thể thực hiện được mà phải chờ ít nhất vài tuần nữa. - Ngày 22.11, Công ty chứng khoán Tràng An (TAS) cũng bị VSD cảnh cáo vì mất khả năng thanh toán cho các giao dịch chứng khoán. TAS không còn khả năng thanh toán trong các giao dịch mua bán với nhà đầu tư, đồng thời nợ Quỹ Hỗ trợ thanh toán của VSD hơn 7 tỉ đồng. |
Tiến sĩ Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM - khẳng định không thể chậm trễ trong việc bỏ tài khoản tổng, thanh toán trực tiếp giữa người mua sang người bán thông qua tài khoản bằng tiền ở ngân hàng. Có như vậy hoạt động tách biệt tiền của NĐT độc lập với hoạt động của CTCK. Việc này không chỉ hạn chế rủi ro cho NĐT mà còn xóa bỏ tình trạng CTCK cho khách hàng vay vốn dưới các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư, sẽ không tồn tại chuyện bán khống bằng cách cho mượn chứng khoán... tràn lan như thời gian qua.
Tái cấu trúc chứng khoán
Việc thiếu thanh khoản ở một số CTCK, sự sụt giảm liên tục kéo dài của thị trường; hiện tượng quay lưng của NĐT... cho thấy thị trường chứng khoán đang cần một cuộc "đại phẫu", hay nói chính xác, một sự tái cấu trúc toàn diện để trở về đúng với vai trò, nhiệm vụ của mình. Đó là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, giảm gánh nặng cung vốn của hệ thống ngân hàng.
Tiến sĩ Lê Đạt Chí đặt vấn đề, tái cấu trúc NH đã khởi động thông qua việc hợp nhất 3 NH phía Nam, không có lý do gì chứng khoán lại chần chừ. Bởi mục tiêu cuối cùng của tái cấu trúc là đưa NH về đúng vai trò cung cấp vốn ngắn hạn cho nền kinh tế. Nếu không tái cấu trúc chứng khoán song hành để "gánh" lấy phần dẫn vốn dài hạn, sẽ không thể thành công. "Nền kinh tế có trên 100 ngân hàng mà phải sáp nhập để giảm bớt. Vậy quy mô thị trường chứng khoán thế nào mà có đến 105 CTCK? Đó là chưa kể, tính trung bình, doanh thu của mỗi CTCK hiện chỉ 2,3 tỉ đồng phí giao dịch/tháng, không đủ để duy trì bộ máy hoạt động. Thực trạng này đòi hỏi phải thanh lọc bớt các CTCK để thị trường lành mạnh hơn", ông Chí nói.
Tái cấu trúc chứng khoán, theo các chuyên gia, về lượng là giảm bớt các CTCK bằng cách rút giấy phép những công ty không đảm bảo điều kiện như an toàn tài chính; các chỉ tiêu về bằng cấp, nhân sự, chất lượng nghiệp vụ... Về chất, phải tái cấu trúc phương thức thanh toán. Cụ thể, các CTCK sẽ không được quản lý tiền của NĐT. Khi đó, họ chỉ còn lại thực hiện hình thức môi giới, tư vấn đầu tư, tư vấn doanh nghiệp thuần túy. Như vậy, họ sẽ phải cạnh tranh với nhau bằng dịch vụ và thị trường sẽ phát triển theo đúng định hướng chứ không lộn xộn và rủi ro như hiện nay.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)