Tên Công ty California Waste Solutions (CWS) đã được xướng lên vào tối 30.7 vừa qua, khi Hội đồng TP.Oakland, bang California, Mỹ quyết định giao hợp đồng thu gom rác, phế liệu tái chế và cây xanh trị giá 2,7 tỉ USD cho CWS - công ty mẹ của VWS (Vietnam Waste Solutions), chủ đầu tư dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, TP.HCM. Ông David Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CWS và VWS đã có những chia sẻ với Thanh Niên về sự kiện đáng tự hào này của người Việt.
|
Rạng danh trên đất Mỹ
* Được biết, Công ty CWS của ông ở Mỹ vừa thắng thầu thu gom, xử lý rác thải, phế liệu tái chế và cây xanh ở TP.Oakland trị giá 2,7 tỉ USD trong vòng 20 năm. Xin ông chia sẻ niềm vui này?
- Đây là niềm vui lớn không chỉ của công ty chúng tôi mà của cả cộng đồng người VN ở Mỹ, đặc biệt là tại 2 TP mà CWS đang phục vụ người dân nơi đây là Oakland và San Jose. Ngay sau khi biết tin người Việt trúng thầu hợp đồng này, ông Nguyễn Bá Hùng - Tổng lãnh sự quán VN tại San Francisco đã gửi thư chúc mừng chúng tôi. Bức thư viết: “Đây là một sự kiện đáng tự hào của cộng đồng người Việt tại Mỹ; điều này chứng tỏ được sự chuyên nghiệp và uy tín của các doanh nghiệp VN trên thế giới”.
Hợp đồng mới này có thời hạn 20 năm, gồm 10 năm và 10 năm gia hạn, bắt đầu từ tháng 7.2015. Hợp đồng cũ của chúng tôi là thu gom phế liệu tái chế sẽ hết hạn vào tháng 6.2015, sau 22 năm thực hiện việc thu gom phế liệu để tái chế ở thành phố này. Hợp đồng mới chuẩn bị thực hiện, ngoài phế liệu tái chế, còn có thêm thu gom và xử lý rác, thu gom cây xanh để sản xuất phân compost. Như vậy, phần công việc của CWS sẽ làm trong 20 năm tới gồm tất cả phần việc mà đối thủ của chúng tôi đang làm hiện nay tại TP.Oakland.
Xin nói thêm rằng, đối thủ của chúng tôi là đại công ty Waste Management chuyên về thu gom, xử lý rác và phế liệu tái chế mạnh nhất Mỹ, có chi nhánh tại 50 tiểu bang của Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Cuộc đấu thầu này trải qua 3 lần, trong đó lần đấu đầu tiên chúng tôi đưa ra với mức giá rẻ nhất so với đối thủ cạnh tranh; lần thứ hai giá của chúng tôi cao hơn và lần thứ ba chúng tôi có mức giá thấp hơn đối thủ. Cuộc đua giành lấy hợp đồng “khủng” này thật bất lợi cho chúng tôi khi “đụng” phải một đối thủ “nặng ký” có thể nói là mạnh nhất thế giới trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác, phế liệu tái chế và cây xanh.
Sau buổi điều trần tại Hội đồng TP.Oakland, CWS đã chiến thắng đối thủ cạnh tranh, giành hợp đồng trị giá 2,7 tỉ USD về cho công ty chúng tôi.
|
* Thưa ông, vì sao CWS đã giành được thắng lợi lớn này?
- Đó là do giá hợp đồng mà công ty chúng tôi đưa ra rẻ nhất cho TP. CWS là công ty địa phương, có trụ sở đóng tại TP.Oakland, thu nhận lao động là những cư dân của TP này, trong đó có nhiều đồng hương Việt làm việc hàng chục năm nay. Bà Rebeca Kaplan là nghị viên TP.Oakland khi trả lời phỏng vấn báo chí địa phương hôm điều trần, đã nói rằng, Công ty CWS trong thời gian qua đã phục vụ người dân Oakland rất tốt, đã đem lại nhiều công ăn việc làm cho cư dân TP nên xứng đáng được Hội đồng TP.Oakland tin tưởng giao cho hợp đồng này.
Hôm đó, ông Trần Hồng Phúc - Chủ tịch Phòng Thương mại Oakland và vùng phụ cận cũng nói rằng, đây là thắng lợi chung của các sắc dân thiểu số (tại Mỹ) và của người VN. Việc quyết định Hội đồng TP.Oakland chọn CWS giúp cư dân TP này tiết kiệm khoảng 400 triệu USD trong 20 năm vì tiền rác chỉ tăng 26% so với 50% nếu như Công ty Waste Management thắng gói thầu này.
* Cộng đồng người Việt ở Mỹ, nơi công ty của ông đang phục vụ đã ủng hộ như thế nào trong buổi điều trần giành thắng lợi vừa rồi, thưa ông?
- Nhiều người đồng hương Việt ở TP.Oakland và các vùng phụ cận như San Jose, San Francisco đã đến ủng hộ tinh thần và chia sẻ niềm vui với chúng tôi về một hợp đồng lớn nhất từ trước đến nay mà VWS đã thắng thầu. Tôi rất biết ơn những người đồng hương ở Mỹ đã sát cánh cùng CWS trong buổi điều trần hôm đó. Thắng lợi này còn có sự góp sức của đông đảo công nhân viên của CWS, của các hội đoàn và cộng đồng người Việt.
Hợp đồng này có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với Công ty CWS của chúng tôi mà còn với cộng đồng người Việt ở Mỹ nói chung.
Thúc đẩy đầu tư ở quê hương
* Tại VN, Công ty VWS của ông cũng đã được nhiều lời khen ngợi từ dự án đầu tư khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước ở TP.HCM và đang chuẩn bị đầu tư một dự án có quy mô rất lớn ở tỉnh Long An. Ông chia sẻ gì về những quyết định đầu tư ở quê hương?
- Trong tôi lúc nào cũng tâm huyết là phải làm được điều gì đó cho quê hương. Gần 10 năm qua, chúng tôi đã đầu tư tại VN, đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ chính quyền địa phương TP.HCM, tỉnh Long An, cho đến các bộ, ngành T.Ư và Chính phủ.
Đầu năm nay, lãnh đạo Chính phủ đã đến thăm khu xử lý rác của chúng tôi ở Đa Phước, TP.HCM và hoan nghênh doanh nghiệp kiều bào như chúng tôi về nước tham gia vào lĩnh vực xử lý và tái chế rác, lĩnh vực mà nhà nước đang rất quan tâm và dành nhiều ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư.
Tháng 6 vừa qua, một lần nữa, khi lãnh đạo Chính phủ đến tham quan khu xử lý rác Đa Phước đã nhận định, trên cả nước có 458 bãi rác nhưng mới có hơn 26 bãi rác đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường, trong đó chỉ có duy nhất khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước của chúng tôi có công nghệ tiên tiến và hiện đại theo chuẩn quốc tế. Sau chuyến thăm và làm việc tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến kết luận của lãnh đạo Chính phủ, trong đó nhấn mạnh xử lý rác thải là vấn đề cấp bách, không chỉ của riêng khu vực TP.HCM mà còn của cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam và trong phạm vi cả nước, đồng thời đánh giá cao việc TP.HCM đã kêu gọi đầu tư xây dựng dự án xử lý chất thải rắn lớn có công nghệ hiện đại trên địa bàn. VWS đã nỗ lực đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước, TP.HCM công suất 10.000 tấn/ngày, hiện đang tiếp nhận xử lý 3.000 tấn/ngày và sắp tới sẽ tiếp nhận thêm 2.000 tấn/ngày từ bãi rác Phước Hiệp chuyển về với công nghệ xử lý chất thải rắn đa dạng (chôn lấp công nghệ cao, sản xuất phân compost và tái chế) và trong tương lai sẽ sản xuất điện từ khí sinh học… Đây là dự án áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, góp phần phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn trong nước. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn cấp vùng có quy mô, công suất, công nghệ đa dạng phù hợp với điều kiện VN, đáp ứng các quy định về môi trường và thời gian hoạt động từ 50 - 100 năm.
Chúng tôi rất vui khi lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng tiến tới áp dụng các tiêu chuẩn và công nghệ tại khu xử lý rác Đa Phước để thực hiện việc xây dựng, đầu tư 8 nhà máy xử lý rác cho 8 vùng trọng điểm trong cả nước trong thời gian tới. Điều này thúc đẩy chúng tôi càng có trách nhiệm nhiều hơn với quê hương VN.
Đối với dự án khu công nghệ môi trường xanh ở Long An, chúng tôi đã đề xuất các bộ ngành và UBND tỉnh Long An, TP.HCM giúp thúc đẩy nhanh tiến độ của dự án. Đây là dự án có quy mô 1.760 ha, công suất xử lý đến 40.000 tấn/ngày, có vốn đầu tư hơn 700 triệu USD, vòng đời dự án từ 75 - 100 năm, đảm nhận việc xử lý rác thải, chất thải rắn phát sinh của 8 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
* Xin cám ơn ông!
Bảo Hân
>> Người Việt tài trí: Thủ lĩnh diệt giặc đói
Bình luận (0)