Công ty đứng sau video xuyên tạc Làng Nủ nhiều lần đăng nội dung phản cảm

18/09/2024 12:08 GMT+7

Sunrise Media được xác định là đơn vị quản lý "Những bài học nhỏ" - kênh YouTube đã đăng nội dung gây phẫn nộ cộng đồng, khi đăng video không đúng về câu chuyện tại Làng Nủ (Lào Cai).

Ngày 16.9, kênh "Những bài học nhỏ" đã đăng một video hoạt hình lên mạng xã hội chia sẻ YouTube với tiêu đề "Quả báo", sử dụng ảnh đại diện có dòng chữ "Quả báo Làng Nủ Lào Cai". Cách sử dụng thông tin mang tính sai sự thật lập tức gặp phản ứng dữ dội từ cộng đồng khiến kênh này phải lập tức ẩn video và tìm cách xóa dấu vết.

Công ty quản lý từng nhiều lần đăng video phản cảm

Theo thông tin có trên kênh tại thời điểm đó, cộng đồng nhanh chóng truy ra cái tên đứng phía sau câu chuyện là Sunrise Media, công ty quản lý kênh có trụ sở tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Đơn vị này được biết đến nhiều trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình giáo dục trẻ em, trong đó có chương trình "Quà tặng cuộc sống".

Sunrise Media khiến cộng đồng phản ứng dữ dội vì hành vi phản cảm của mình, nhưng không phải lần đầu

Sunrise Media khiến cộng đồng phản ứng dữ dội vì hành vi phản cảm của mình, nhưng không phải lần đầu

Ảnh: Chụp màn hình

Đáng chú ý, video xuyên tạc về quả báo tại thôn Làng Nủ (Lào Cai) không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp này có hành vi câu view bẩn bất chấp. Tháng 11.2014, công ty từng "nổi như cồn" sau khi chương trình "Quà tặng cuộc sống" phát sóng phim hoạt hình có tên "Nhặt xương cho thầy", với nội dung về người thầy tham lam, ăn tranh phần của học trò. Nội dung này được phát sóng vào dịp Nhà giáo Việt Nam khiến nhiều người cảm thấy bị xúc phạm.

Chưa đầy 2 năm sau, cũng chương trình này phát đoạn phim tựa đề "Nhà thiên văn học" tiếp tục gây bức xúc cho người xem và dư luận khi chứa nội dung miệt thị người theo đuổi đam mê, đồng thời xúc phạm người làm nghề thiên văn.

Trên kênh YouTube "Những bài học nhỏ" (nay đã đổi tên), nhiều người cũng nhận ra hàng loạt video với tựa đề gây sốc, giật gân nhằm câu view. Điều gây bức xúc với nhiều người là kênh này định hướng nội dung hoạt hình dành cho trẻ nhỏ, nhưng vận dụng cách làm việc bị cho là "phản giáo dục" bằng cách sử dụng những đề tài có phần nhạy cảm, không phù hợp với trẻ em.

Sau khi bị tố giác hành vi câu view bẩn từ nỗi đau thiên tai diễn ra tại Làng Nủ, chủ kênh lập tức ẩn video, chỉnh sửa tiêu đề cũng như ảnh đại diện nhằm đánh lạc hướng. Tuy nhiên vẫn bị cộng đồng tìm ra và tiếp tục báo cáo vi phạm với nền tảng YouTube. Không lâu sau đó, kênh này đã đổi tên, thay thông tin nhưng hiện cũng đã đóng.

Vụ video 'Quả báo Làng Nủ Lào Cai' gây phẫn nộ: An ninh mạng vào cuộc

Câu "view" trên mạng xã hội chỉ vì lợi nhuận

Chính sách của YouTube trả chi phí cho các nhà sáng tạo nội dung khi họ đăng tải video lên nền tảng và đạt được những điều kiện do hãng đưa ra để bật tính năng kiếm tiền. Trong số này có điều kiện về số lượng người theo dõi, số lượng và thời lượng người xem. Vì vậy, có một bộ phận đáng kể người làm kênh sẵn sàng tạo ra các nội dung giật gân, câu view, thậm chí nhảm nhí và độc hại để nhanh chóng kiếm được tiền.

Trao đổi với Thanh Niên, anh Nhân Nguyễn - nhà sáng lập Nhan Nguyen Sharing nhận định xu hướng muốn nổi tiếng nhanh để thu được lợi ích trong thời gian ngắn đã khiến nhiều người bất chấp mà câu view. Từ các nhà sáng tạo nội dung, đến nhãn hàng (doanh nghiệp), hoặc một cá nhân đều mong muốn có được sự tôn trọng "ảo".

YouTube chi trả cho các nhà sáng tạo nội dung đạt điều kiện trên nền tảng

YouTube chi trả cho các nhà sáng tạo nội dung đạt điều kiện trên nền tảng

Ảnh: DPA

"Lợi ích về sự nổi tiếng và tiền bạc cũng khiến nhiều người bất chấp làm giàu nhanh bằng nội dung bẩn. Ngay trong mùa bão lũ vừa qua cũng có nhiều thành phần làm tiếp thị liên kết, giật những tựa đề phản cảm nhằm thu hút người dùng nhấn vào link để họ được hưởng hoa hồng", anh Nhân chia sẻ.

Đồng quan điểm, nhà sáng tạo nội dung Ngô Đức Duy - chủ kênh YouTube cùng tên đang có hơn 2,1 triệu người theo dõi tại Việt Nam cho rằng "câu view bẩn là con đường tắt mang lại lợi ích tạm thời như view cao, like nhiều, tương tác mạnh". Tuy nhiên, các dạng nội dung như vậy chỉ mang tính tạm thời.

"Về lâu dài, không ai có thể phát triển bền vững với những nội dung tiêu cực như vậy. Đặc biệt khi ý thức người dùng mạng xã hội ngày càng được nâng cao. Chính phủ cũng đang có những biện pháp xử lý và giúp định hướng những thông tin sai và phản cảm", anh Duy bình luận.

Theo quan điểm của anh Ngô Đức Duy, yếu tố quan trọng nhất để nội dung có thể đóng góp hữu ích cho cộng đồng bắt đầu từ chính người sáng tạo, phải hiểu rõ về những gì mình đang làm. Bên cạnh đó còn phải có phần định hướng từ nền tảng cũng như các cơ quan chức năng để góp phần xây dựng nội dung tích cực cho cộng đồng và người xem. "Những ai làm nội dung tích cực, lan tỏa thông điệp tốt đẹp sẽ có được chỗ đứng vững chắc, với nhiều cơ hội phát triển ở hiện tại và tương lai", YouTuber Ngô Đức Duy khẳng định.

Anh Nhân Nguyễn cho biết thêm: "Nhà sáng tạo phải biết mục tiêu của mình khi làm nội dung là gì. Luôn đặt ưu tiên hàng đầu là mục tiêu truyền tải thông điệp tốt đến khán giả, sau đó mới đến thu lại lợi ích cho bản thân mình. Kế đến, tuân thủ pháp luật và các chính sách của các nền tảng mạng xã hội về việc khai thác nội dung. Nhà sáng tạo cần có cái nhìn đa chiều về nội dung mình tạo ra, đặc biệt nội dung cho trẻ em, liệu có yếu tố nào gây hại hoặc không phù hợp hay không".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.