Công ty niêm yết phá sản

31/08/2011 23:35 GMT+7

Lần đầu tiên trong lịch sử thị trường chứng khoán (TTCK) VN, một chủ nợ đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty đang niêm yết. Đặc biệt, công ty niêm yết phá sản, nhà đầu tư (NĐT) rối bời nhưng Sở Giao dịch vẫn không hề hay biết.

DVD đăng ký trụ sở chính tại 411 Huỳnh Văn Bánh, P.11, Q.Phú Nhuận, TP.HCM với vốn điều lệ 119,1 tỉ đồng, tương ứng có 11,91 triệu CP đang được niêm yết tại HOSE - ảnh: D.Đ.M

Nhà đầu tư trắng tay?

Ngày 5.8, TAND TP.HCM đã ban hành quyết định cho phép mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần dược phẩm Viễn Đông (DVD) theo đơn yêu cầu của Ngân hàng ANZ Việt Nam. Tuy nhiên đến ngày 25.8, Sở Giao dịch CK TP.HCM (HOSE) mới nhận được thông báo từ ANZ và công bố thông tin này cho NĐT. Điều này đã khiến cho các cổ đông hoang mang bởi thông báo hủy niêm yết cổ phiếu (CP) của DVD vào 5.9 được HOSE công bố vào chiều ngày 30.8. Nghĩa là tính đến lúc bị hủy niêm yết, NĐT chỉ còn đúng 2 phiên giao dịch (trong ngày 31.8 và 1.9) để có thể bán ra CP. Ông Nguyễn Hoàng Long - Tổng giám đốc Công ty CK u Việt, kể: một số khách hàng có phàn nàn tại sao công ty CK không báo cho họ biết sớm hơn nhưng bản thân công ty cũng hoàn toàn không biết.

Cơ hội được chia tài sản khi công ty tuyên bố phá sản rất mong manh

Luật sư Bùi Quang Nghiêm

Trên thực tế, trong 15 phút cuối cùng của đợt khớp lệnh đóng cửa trong phiên hôm qua 31.8, chỉ có 4.170 CP của DVD được mua trong khi tổng số lượng đặt bán lên gần 2 triệu. Và chắc chắn những CP của DVD sau ngày 1.9 chỉ còn giấy vụn vì công ty này đang trong quá trình làm thủ tục phá sản. Những NĐT đang còn nắm giữ CP này sẽ hoàn toàn trắng tay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - Tổng giám đốc Công ty CK Sen Vàng nhận xét “cái chết” của DVD đã được cảnh báo từ trước với những lộn xộn bắt nguồn từ chuyện làm giá CP của nguyên Tổng giám đốc Lê Văn Dũng. Do đó vấn đề hủy niêm yết CP chỉ còn là thời gian.

Phá sản vì nợ?

Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, DVD sẽ bán một số tài sản để trả nợ vay và ổn định sản xuất như bán Công ty liên doanh Lili of France; thửa đất dự định xây trụ sở công ty mẹ tại địa chỉ số 88 đường Lũy Bán Bích, Q.Tân Phú (TP.HCM); số cổ phiếu Savifarm và nhiều đất đai khác trải dài ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cũng theo tờ trình ĐHCĐ bất thường của DVD, tổng tài sản tính đến hết năm 2010 (chưa được kiểm toán) là 1.561 tỉ đồng và tổng nợ là 1.058 tỉ đồng. Từ đầu năm 2011 đến nay, hoạt động của DVD đình trệ, các ngân hàng giám sát chặt chẽ hoạt động và yêu cầu công ty có phương án khôi phục hoạt động kinh doanh cũng như bán một số tài sản để giảm bớt áp lực lãi vay, trả gốc cho các ngân hàng.

“Cơ hội được chia tài sản khi công ty tuyên bố phá sản rất mong manh”, đó là nhận định của luật sư Bùi Quang Nghiêm - Công ty luật Nghiêm & Chính (TP.HCM). Luật sư Nghiêm cho biết, theo quy định, một công ty tuyên bố phá sản sẽ thực hiện các thủ tục và tài sản ưu tiên trả nợ. Sau đó nếu còn thì mới tính đến việc chia cho các cổ đông. Nhưng thông thường, các công ty đã tuyên bố phá sản thì tài sản không đủ để trả nợ.

Trách nhiệm của Hose?

Trao đổi với Thanh Niên, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban CK Nhà nước cho biết, theo Luật Phá sản, việc Ngân hàng ANZ yêu cầu tòa án thụ lý mở thủ tục phá sản từ tháng 5.2011 đối với CP của DVD là việc của chủ nợ. Đối với DVD chỉ khi nào tòa án tuyên bố cho phép mở thủ tục phá sản thì phải công bố thông tin bất thường theo quy định của Luật CK. Còn trách nhiệm của Ủy ban CK, với vai trò giám sát sẽ theo dõi và xếp DVD vào loại CP bị kiểm soát. Theo ông: “Chúng tôi đã có ý kiến cân nhắc việc hủy niêm yết và ngày 30.8 đã chính thức loại CP này ra khỏi sàn”.

Anh Vũ

Theo công bố của HOSE, việc hủy niêm yết đối với CP DVD là do công ty này đã liên tục vi phạm công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường theo quy định. Đây là lần đầu tiên, HOSE ra quyết định hủy niêm yết đối với một CP với lý do vi phạm về công bố thông tin.

Quyết định hủy niêm yết của HOSE có thể nói là quá chậm trễ và gây thiệt hại lớn cho NĐT. Bởi trước đó, công ty này đã liên tục vi phạm việc công bố thông tin. Có thể kể ra như chậm công bố Báo cáo thường niên năm 2010; Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010 (Mẹ và Hợp nhất); Báo cáo tài chính quý 4 năm 2010 (Hợp nhất), quý 1 năm 2011 (Mẹ và Hợp nhất) và quý 2 năm 2011 (Mẹ); Báo cáo tình hình quản trị công ty quý 4 năm 2010, quý 1 năm 2011 và quý 2 năm 2011... nhưng HOSE cũng chỉ có công văn nhắc nhở mà không có một biện pháp chế tài mạnh nào để NĐT thận trọng hơn trong giao dịch CP này. Thậm chí, ngay cả khi tòa án chấp thuận cho mở thủ tục phá sản đối với DVD thì HOSE vẫn không hề hay biết. 

Chuyên gia tài chính Đinh Thể Hiến nhận xét: DVD đã có nhiều vấn đề từ cuối năm 2010 đến nay nhưng Hose chỉ nhắc nhở khi chậm công bố thông tin khiến cho NĐT cảm thấy không được cơ quan quản lý bảo vệ. “Bản thân các sở giao dịch CK phải nghĩ rằng mình còn có trách nhiệm mang tính kinh doanh vì có thu được phí khi có nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng như NĐT tham gia mua bán. Một trong những trách nhiệm đó là phải đảm bảo được chất lượng hàng hóa trên sàn, đảm bảo các CP công bố thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời”, ông Hiển nói.

Th.S Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (ĐH Kinh tế) cho rằng sự kiện của DVD sẽ ảnh hưởng đến TTCK và lòng tin của NĐT vào cơ quan quản lý. Ông nói: “Kể từ khi DVD bị đưa vào diện kiểm soát đến nay thì Sở Giao dịch CK đã kiểm soát cái gì mà công ty bị tuyên bố phá sản cũng không biết?”.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.