'Công việc đầu tiên là đối với con người'*

24/02/2022 06:00 GMT+7

Cần đi tìm động lực cho sự phát triển kinh tế không phải trong kinh tế, mà ở ngoài kinh tế. Đó là vấn đề con người, vấn đề văn hóa.

Động lực phát triển ngoài kinh tế

Trong tình hình hiện nay, khi đất nước đang đứng trước những thời cơ lẫn thách thức, khi sự nghiệp đổi mới nói chung đã thu được những thành tựu lớn nhưng trước mắt còn vô vàn khó khăn, việc tỉnh táo nhận thức ra những lực cản đang níu kéo chúng ta, hoặc đang có nguy cơ làm chệch hướng phát triển của đất nước, là cực kỳ quan trọng.

Ở các nước đang phát triển, nền kinh tế thị trường cạnh tranh dữ dội thì nguy cơ thị trường sẽ đi quá xa trong việc chi phối những lợi ích chính trị và xã hội, sẽ tạo nên sự phân bố không đều và không công bằng. Khi thị trường trượt khỏi vòng kiểm soát, thì tính bất ổn định thể hiện ở những nền kinh tế bùng nổ và sụp đổ và như trên kia đã nói, nền kinh tế thị trường cạnh tranh đó sẽ thách thức tất cả đạo đức con người, và hy sinh cả sự tôn trọng của công lý và quyền con người. Nguy cơ khủng hoảng xã hội sẽ diễn ra từ đó.

Chúng ta chấp nhận kinh tế thị trường, nhưng đó là thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Có nghĩa là kinh tế thị trường lành mạnh, nằm trong sự điều tiết của xã hội, của các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, không vì lợi nhuận mà gây tổn hại cho xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh phải tạo mọi điều kiện để phát triển con người về mọi mặt

TL

Hiện nay trong số các ý kiến đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước, nhiều người đang nói đến vai trò kinh tế tư nhân, coi nó như một động lực cho sự phát triển. Về một phương diện nào đó, việc khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ kinh tế tư nhân ra đời ngày càng nhiều, sẽ góp phần kích thích tính năng động của hoạt động kinh doanh sản xuất toàn xã hội. Đó là điều hoàn toàn cần thiết.

Tuy nhiên, về lâu dài, khi các cơ sở kinh tế tư nhân ra đời, xuất hiện ngày càng nhiều, thì hiệu quả xã hội sẽ ra sao khi mà ý thức tư hữu của người dân, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận xã hội còn chậm được khắc phục, khi công nghệ hiện đại chưa được sử dụng, nhân lực có trình độ cao còn thiếu, và đặc biệt khi sự điều hành và quản lý của xã hội đối với các hoạt động kinh doanh đó còn yếu... Nếu các vấn đề đó chưa thực sự được giải quyết tốt thì vai trò động lực của các cơ sở kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế của đất nước cũng chỉ có ý nghĩa nhất thời.

Vì vậy, phải chăng cần đi tìm động lực cho sự phát triển kinh tế không phải trong kinh tế, mà ở ngoài kinh tế. Đó là vấn đề con người, vấn đề văn hóa.

Để văn hóa thật sự trở thành động lực

Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra hàng loạt những nhiệm vụ cấp bách phải làm khi chiến tranh kết thúc. Nổi lên trong những lời căn dặn của Người vẫn là vấn đề văn hóa, vấn đề con người. Người viết: “Công việc đầu tiên là đối với con người”. Đặt con người ở vị trí đầu tiên, có nghĩa là Đảng, Nhà nước phải quan tâm giúp các tầng lớp nhân dân vượt qua những khó khăn thiếu thốn do cuộc chiến tranh để lại. Việc quan tâm con người còn có ý nghĩa phải tạo mọi điều kiện để phát triển con người về mọi mặt, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trước mắt và lâu dài.

Mấy chục năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, đất nước ta đã có một sự phát triển khá ngoạn mục trên nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, những khó khăn thách thức thì không ít, thậm chí khá nghiêm trọng.

Khó khăn và thách thức đó bắt nguồn từ đâu? Có cả nguyên nhân khách quan do tác động của mặt trái của toàn cầu hóa, của kinh tế thị trường, của những thế lực xấu đang tìm cách gây mất ổn định cho đất nước. Nhưng chắc chắn nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Đó là sự xuống cấp về văn hóa và về con người.

Trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay, văn hóa và con người phải trở thành động lực. Từ nhiều năm trước, Đảng ta đã khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đó là một tư tưởng lớn. Đáng tiếc, trong hoạt động thực tiễn, nhiều khi tư tưởng đó chưa được coi trọng, thậm chí bị bỏ quên. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng viết: “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước”.

Để văn hóa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững, thì văn hóa phải gắn với con người. Văn hóa quan hệ chặt chẽ với con người như hai trang của một tờ giấy. Con người sáng tạo ra văn hóa, ra các giá trị văn hóa, và đến lượt mình, văn hóa, các giá trị văn hóa tạo nên con người. Không có giá trị văn hóa nằm ngoài con người, cũng như không có con người nằm ngoài các giá trị văn hóa.

Xuất phát từ nhận thức đó, Văn kiện Đại hội XIII đã nêu bật việc tập trung xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Nghị quyết khẳng định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.

(*) Bài viết được trích từ tham luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021. Tựa đề do Thanh Niên đặt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.