Khu đất rộng hàng ngàn mét vuông trong công viên Phú Lâm (Q.6, TP.HCM) ngay mặt tiền đường Kinh Dương Vương đã được “cắt” để xây dựng nhà hàng tiệc cưới Sun Palace và câu lạc bộ khiêu vũ nghệ thuật do Công ty Việt Ý làm chủ đầu tư. Công ty này cũng cho xây dựng chốt bảo vệ, văn phòng điều hành, bãi giữ xe… ngay trên đất công viên.
Muốn chụp ảnh phải xin phép
|
Nghịch lý kéo theo là giờ đây, khi PV vào công viên Phú Lâm chụp hình liền bị bảo vệ và nhân viên “nhà hàng tiệc cưới” chạy đến vây hãm, đòi xóa ảnh với lý do khu đất đã được họ thuê, nên muốn chụp phải xin phép. Nếu không xóa ảnh sẽ gọi công an, chính quyền đến “làm việc”.
Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ công trình đã được rào chắn như một lãnh địa riêng, với hàng chục bảo vệ vòng trong vòng ngoài. Ai muốn vào phải xuất trình giấy tờ và xin phép. Mặt tiền công viên phía đường Lê Tuấn Mậu cũng được “xén” cho thuê để buôn bán cây cảnh, phân bón. Phía đường An Dương Vương cũng mới "mọc" lên một sân bóng đá mini, quán giải khát. Khu vực giữa công viên cũng được cho thuê làm quán cà phê.
Văn phòng Trung tâm văn hóa (TTVH) Q.6 xây dựng trên khu đất mấy trăm mét vuông ngay trong công viên. Trong khi các dự án kinh doanh mọc lên ngày càng nhiều, hoành tráng thì ngược lại, cây xanh ngày càng teo tóp, èo uột, các công trình vui chơi, hạ tầng công cộng… xuống cấp trầm trọng do không được chăm sóc, tu bổ.
Khu công viên văn hóa Lê Thị Riêng (Q.10) còn thê thảm hơn khi phần lớn diện tích đã được cho thuê làm dịch vụ, lấn át các mảng xanh. Ngay cổng chính phía đường Cách Mạng Tháng 8, hai góc của công viên được cho thuê làm sân khấu ca nhạc Hoàn Vũ và nhà sách, siêu thị. Bước vào phía trong là hàng loạt ki ốt được dựng lên để kinh doanh ăn uống, quầy lưu niệm… trông rất nhếch nhác. Một khu “đảo” trong công viên cũng đã được tận dụng mở quán đảo Cây Đa chuyên phục vụ tiệc cưới, sinh nhật. Kế bên là hai quán cà phê chiếm hàng trăm mét vuông hoạt động tấp nập. Một phần đất cũng được “xén” làm 3 sân tennis.
Xà xẻo mạnh nhất các mảng xanh tại đây là khu vui chơi giải trí Tuổi thần tiên do Công ty Thỏ Trắng làm chủ đầu tư trên khu đất hơn 10.000 m2 nằm phía mặt tiền đường Trường Sơn. Dự kiến giai đoạn 2 còn mở rộng thêm khoảng hơn 2.000 m2. Khi chúng tôi vào chụp hình, nhân viên bảo vệ ở đây đã ngăn cấm và yêu cầu phải đăng ký, như đây là “lãnh địa” của công ty chứ không phải công viên công cộng phục vụ người dân.
Ngay trong công viên, Công ty Thỏ Trắng đã lấy hàng trăm mét vuông để xây dựng tòa nhà cao 2 tầng làm văn phòng điều hành của công ty, một nhà hàng hoành tráng, khu y tế, bảo vệ. Một dãy ki ốt kinh doanh ăn uống cũng được xây dựng. Tại thời điểm có mặt ở khu vui chơi này, PV nhận thấy một số cây xanh có tuổi đời hàng chục năm bị chết đứng, khô héo...
“Doanh nghiệp đại diện nhà nước quản lý”
|
Theo tìm hiểu của PV, khu đất mà Công ty Việt Ý xây dựng nhà hàng Sun Palace rộng gần 1.900 m2. Trong bản hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa công ty và TTVH Q.6 ký vào tháng 11.2007, thời hạn hợp tác là 10 năm thì giá thuê 2 năm đầu là 8 triệu đồng/tháng, 2 năm sau tăng lên 12,2 triệu đồng/tháng, đến năm thứ 9 và năm thứ 10 là 23 triệu đồng/tháng. Đến giữa năm 2009, Công ty Việt Ý xin gia hạn hợp đồng từ 10 năm lên 25 năm. Tuy nhiên, TTVH Q.6 chỉ ký gia hạn hợp đồng lên 22 năm, với mức giá thuê từ năm thứ 11 đến hết năm thứ 12 là 29,9 triệu đồng/tháng, 2 năm kế tiếp trả 38,87 triệu đồng/tháng và đến 2 năm cuối là hơn 111 triệu đồng/tháng.
Như vậy, đến nay mức giá thuê của Công ty Việt Ý đối với khu đất gần 1.900 m2 chỉ khoảng 16 triệu đồng/tháng. Một mức giá quá rẻ so với thị trường. Mức giá cho thuê đối với sân bóng đá mini và quán cà phê giải khát mỗi tháng cũng chỉ thu về được khoảng 20 triệu đồng, toàn bộ diện tích cho thuê hoa kiểng chỉ khoảng 16 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc TTVH Q.6, cho hay tất cả công trình cho thuê đều hoạt động theo hình thức “xã hội hóa”. Riêng đối với phần đất cho thuê buôn bán cây cảnh phía mặt tiền đường Lê Tuấn Mậu sẽ thu hồi lại toàn bộ để hợp tác với Công ty Thỏ Trắng làm khu vui chơi thiếu nhi như mô hình công viên Lê Thị Riêng. Theo ông Minh, hiện nguồn thu mỗi năm từ cho thuê mặt bằng khoảng hơn 2 tỉ. “Tôi mới về khoảng gần 2 năm nay, những hợp đồng cho thuê mặt bằng là tồn tại của người tiền nhiệm”, ông Minh phân trần.
Một lãnh đạo UBND Q.10 giải thích, các dịch vụ kinh doanh như nhà sách, nhà hàng đảo, quán cà phê… nhằm đảm bảo cho công viên có kinh phí hoạt động. Hiện quận đang làm quy hoạch chi tiết cho công viên gồm các phân khu chức năng như khu vui chơi trẻ em, sinh hoạt truyền thống, khu dịch vụ theo hướng “công viên không đơn thuần chỉ toàn cây xanh”. Trả lời câu hỏi sao không lấy đất nơi khác làm dịch vụ vì hiện nay mảng xanh của TP còn rất ít, vị này cho rằng, đây là khu hiện hữu nên... dễ triển khai. Còn để làm khu vui chơi cho trẻ em, ngân sách đã bỏ ra hơn 10 tỉ đồng làm hạ tầng phía trên.
Ông Trương Bá Ngọc, Tổng giám đốc Công ty Thỏ Trắng, cho rằng đây là dự án theo mô hình xã hội hóa, doanh nghiệp đại diện nhà nước quản lý nên rất bài bản. Chỉ riêng an ninh vòng trong vòng ngoài đã 18 người. Khi doanh nghiệp đầu tư vào thì nguồn thu bằng cách kinh doanh những sản phẩm ăn uống, bán vé. Ngoài ra, công ty cũng kêu gọi, liên kết các đối tác vào mở ki ốt trong công viên để kinh doanh các dịch vụ.
Về chi phí thuê mặt bằng, chia lợi nhuận giữa nhà đầu tư và nhà nước như thế nào, cả đại diện UBND Q.10 và Công ty Thỏ Trắng đều từ chối cung cấp thông tin.
|
Đình Sơn
>> Nhà hàng tiệc cưới “áp” công viên
>> Công viên hay nơi đỗ xe ?
>> “Xẻo” đất công viên dựng bãi đỗ xe
>> “Xẻo” đất công viên dự án
Bình luận (0)