Công viên tượng cát tại Phan Thiết có quy mô lớn thứ hai thế giới, sau Bảo tàng Mỹ thuật cát Tottori, Nhật Bản. Những ngày qua, nơi này trở nên rộn ràng hơn với giải vô địch nữ điêu khắc gia tượng cát. Đây là giải đấu dành riêng cho nữ điêu khắc gia và cũng là giải đấu quốc tế đầu tiên về điêu khắc trên cát được tổ chức tại Việt Nam.
Có 8 nhà điêu khắc chuyên nghiệp đến từ Mỹ, Ý, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Úc, Latvia và Canada đang trong quá trình hoàn thiện tác phẩm trên những khối cát khổng lồ theo chủ đề Cổ tích - Thần thoại Việt Nam và thế giới, dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp lễ 30.4 - 1.5 để chào đón khách đến tham quan.
|
|
Điều đáng nói là diễn ra ở Việt Nam nhưng giải đấu quốc tế này lại không có sự tham dự của nghệ nhân Việt. Trước đó, khi chính thức mở cửa hoạt động từ tháng 1.2017, gần 20 bức tượng lớn nhỏ tại công viên này cũng đều do 14 nghệ nhân đến từ 12 nước trên thế giới cùng nhau làm việc liên tục trong gần một tháng để hoàn thành.
Lý giải về việc vắng bóng nghệ nhân Việt, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc công ty TNHH Nghệ thuật Cát Việt cho biết: "Điêu khắc tượng cát là bộ môn còn mới mẻ tại Việt Nam. Các điêu khắc gia Việt Nam không hề kém về tài năng nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm khi xử lý với chất liệu cát và quy mô, kích thước tượng lớn như thế này. Mỗi quốc gia trên thế giới cũng chỉ có từ 1-2 nghệ nhân điêu khắc tượng cát chuyên nghiệp. Giải đấu này là nền móng cho sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc tượng cát Việt Nam và tôi hi vọng sắp tới sẽ có những công trình của nghệ nhân Việt".
Theo ghi nhận của chúng tôi, chất liệu được các nghệ nhân sử dụng là cát đỏ tự nhiên của Bình Thuận, không pha trộn phụ gia mà chỉ nhờ sự nén chặt của cát và nước. Các nữ nghệ nhân nước ngoài đã sáng tạo nên tác phẩm dựa trên những câu chuyện thần thoại, cổ tích và ngụ ngôn quen thuộc của Việt Nam và thế giới như Trí khôn của ta đây, Con Rồng cháu Tiên, Trạng Quỳnh chữa bệnh, Alice lạc vào xứ sở thần tiên, Bạch Tuyết và 7 chú lùn...
Mỗi tác phẩm đều đòi hỏi sự chi tiết và tỉ mỉ, trong đó có những tác phẩm các điêu khắc gia phải mất hơn 40 ngày mới hoàn thành. Công sức và tâm huyết bỏ ra là rất nhiều nhưng tượng cát khác với các tượng điêu khắc khác ở chỗ không thể tồn tại lâu dài theo thời gian.
Nữ điêu khắc gia Agnese Rudzite Kirillova (nhà vô địch 3 năm liên tiếp của Lễ hội Điêu khắc tượng cát thế giới 2013, 2014, 2015) cho biết: "Tôi đến Việt Nam tham dự giải đấu với đôi bàn tay nhiệt huyết, để trải nghiệm chất liệu điêu khắc mới và không quan trọng thắng thua. Khi tiếp cận bộ môn này và dành đam mê cho nó, tôi cũng như các nghệ nhân khác đều hiểu rằng đây là môn nghệ thuật hữu hạn. Vậy nên, tôi không cảm thấy buồn khi tác phẩm của mình bị thời gian phá hủy. Tôi sống với đam mê, tận hưởng niềm vui trong thời gian tôi điêu khắc. Bức tượng này mất đi là lúc bắt tay sáng tạo bức tượng khác với niềm vui khác".
Bình luận (0)