Chính quyền khẳng định không dừng dự án xây trung tâm thương mại

22/12/2015 20:55 GMT+7

Nhiều tiểu thương ở Ninh Hiệp (Hà Nội) cho biết, cả xã Ninh Hiệp có 4 chợ và trung tâm thương mại, trong đó chỉ có 1.600 sạp hàng ở chợ Nành là kín chỗ, còn 3 trung tâm thương mại đều vắng hộ kinh doanh.


Nhiều tiểu thương ở Ninh Hiệp (Hà Nội) cho biết, cả xã Ninh Hiệp có 4 chợ và trung tâm thương mại, trong đó chỉ có 1.600 sạp hàng ở chợ Nành là kín chỗ, còn 3 trung tâm thương mại đều vắng hộ kinh doanh.

Trường THCS xã Ninh Hiệp vắng bóng học sinh trong ngày 22.12 - Ảnh: Lê QuânTrường THCS xã Ninh Hiệp vắng bóng học sinh trong ngày 22.12 - Ảnh: Lê Quân

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trong ngày 22.12, tại các trường THCS, tiểu học ở xã Ninh Hiệp chỉ lác đác một ít học sinh đến trường. Xung quanh khu vực trụ sở UBND xã Ninh Hiệp và đồn công an Bắc Đuống luôn có nhiều người dân tập trung bên ngoài.

Một số người dân cho hay, việc buộc con em nghỉ học để tham gia biểu tình phản đối xây dựng trung tâm thương mại cũng là cực chẳng đã.
“Vẫn biết cho các cháu nghỉ học là mất quyền lợi, gây ảnh hưởng đến việc học hành, tâm lý của các cháu nhưng người dân chúng tôi không còn cách nào khác. Nguồn sống của cả xã chúng tôi, tương lai con em ở đây đều trông chờ vào chợ Nành, nay xây dựng thêm trung tâm thương mại, lấy mất bãi gửi xe của chợ không khác nào ngăn cản khách hàng đến với chúng tôi. Trong khi đó, chợ Nành là đã hình thành, phát triển cả trăm năm nay, giữ đầu mối giao thương với nhiều nơi... Tôi không hiểu vì sao chính quyền lại cho lấy đất xây dựng trung tâm thương mại, chặn nguồn sống của dân làng tôi. Con em chúng tôi đi học từ nguồn sống này, nay nguồn sống bị chặn như vậy chẳng khác nào cấm con em đến trường”, anh Trần Anh Tuấn, 36 tuổi, một tiểu thương cho con nghỉ học đi biểu tình chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hồng, 48 tuổi, một tiểu thương kinh doanh ở chợ Nành cho hay, việc hàng trăm tiểu thương cùng “bãi thị”, buộc con em “bãi khóa” để phản đối việc chính quyền lấy bãi đất sát chợ Nành (vốn là nơi để xe rất thuận tiện cho khách ra vào chợ) để giao cho doanh nghiệp tư nhân xây trung tâm thương mại, là do lo ngại khi bãi xe bị chuyển ra xa, không thuận tiện để xe thì chợ không còn có khách.
Nhiều tiểu thương khác cho biết, cả xã Ninh Hiệp đã có 4 chợ và trung tâm thương mại. Trong số đó, chỉ có 1.600 sạp hàng ở chợ Nành là kín chỗ, còn 3 trung tâm thương mại là Phú Điền, Ba Za, Sơn Long đều thưa vắng hộ kinh doanh, diện tích tầng 1 chưa sử dụng hết, các tầng trên đều bỏ trống. Dù vậy, chính quyền vẫn chủ trương xây dựng thêm trung tâm thương mại bên cạnh chợ Nành, vốn là bãi gửi xe của khách đến chợ.
Ông Nguyễn Anh Tú, Chánh văn phòng UBND H.Gia Lâm cho biết, dự án xây dựng trung tâm thương mại trên khu đất vốn là bãi gửi xe của khách đến chợ Nành là do UBND TP.Hà Nội phê duyệt. Khu đất này do chính quyền quản lý chứ không thuộc cá nhân nào. Dự án này xây dựng chợ và khu dịch vụ thương mại tổng hợp trên diện tích khoảng 5.873 m2, có bãi đỗ xe khoảng 1 ha, dự kiến hoàn thành trong năm 2016, tổng vốn đầu tư lên đến 180 tỉ đồng. Doanh nghiệp tư nhân được giao làm chủ đầu tư là Công ty TNHH đầu tư phát triển Vĩnh Phát.
Ông Tú cho hay, việc tiểu thương chợ Nành thuộc xã Ninh Hiệp phản đối xây trung tâm thương mại đã kéo dài cả năm nay. Gần đây, vụ việc lại bùng lên do Công ty TNHH đầu tư thương mại và phát triển Vĩnh Phát có thông báo khởi công nên bà con lại tập trung phản đối xây dựng dự án này.
“Huyện Gia Lâm và TP.Hà Nội đã nhiều lần đối thoại với người dân nhưng một số người vẫn cố tình phản đối. Đây là dự án do TP.Hà Nội quyết định cấp phép, huyện Gia Lâm chỉ thực hiện theo chỉ đạo. Chủ đầu tư đã thực hiện đúng theo quy trình, thủ tục. TP.Hà Nội cũng đã có quyết định đồng ý cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Theo thông báo của chủ đầu tư là hôm nay 22.12 sẽ khởi công xây dựng, nhưng do làn sóng phản đối mạnh nên họ tự tạm dừng khởi công, chứ chính quyền không có quyết định gì”, ông Tú nói.
Vẫn theo ông Tú, người dân đã biểu tình vài ngày nay, đỉnh điểm nhất là trong ngày 21.12, nhiều người bao vây trụ sở UBND xã Ninh Hiệp. Cá biệt, một số người còn xông vào phòng làm việc của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã để nêu ý kiến phản đối. Có người còn manh động đập ghế, ấm chén để gây sức ép, khiến tình hình hỗn loạn.
Trước tình hình đó, Công an huyện Gia Lâm, Công an TP.Hà Nội và lãnh đạo thành phố đã xuống trực tiếp hiện trường nắm tình hình và có phương án xử lí, đảm bảo ổn định tình hình trật tự trên địa bàn. Lực lượng công an được tăng cường để ổn định tình hình, tránh đối tượng xấu kích động người dân.
Mặt khác, huyện phối hợp với các ban ngành đoàn thể vận động tuyên truyền để người dân cho con đến trường.
Ông Tú cũng khẳng định, đến chiều 22.12, người dân vẫn chưa cho con đến trường.
Về quy hoạch bãi xe mới cho chợ Nành, chính quyền địa phương cũng đã có phương án cụ thể. Còn việc có thu hồi đất đang làm bãi gửi xe cho chợ Nành xây dựng trung tâm thương mại hay không là quyết định tùy thuộc ở TP.Hà Nội.
“Đến nay, dự án vẫn sẽ được thực hiện bình thường, huyện không dừng được. UBND TP mới có thẩm quyền dừng hay không. Tình hình ở địa phương luôn được chúng tôi báo cáo TP. Bên cạnh tuyên truyền, phân hóa đối tượng, cũng sẽ giải quyết các đối tượng phong tỏa trường học; đồng thời cố gắng tốt nhất tạo đồng thuận giữa nhà trường và gia đình tiểu thương đang cho con nghỉ học (để vận động phụ huynh cho các cháu đến trường trở lại - PV)”, ông Tú nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.