Ngày 3.12, UBND TP.Huế đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) về kết quả cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố, chủ đầu tư và bà con tiểu thương chợ đầu mối Phú Hậu.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP.Huế đã trực tiếp ra đường đối thoại với tiểu thương - Ảnh: B.N.L |
Theo đó, tại buổi đối thoại Chủ tịch UBND TP.Huế đã giải thích mục đích đầu tư chợ mới là nhằm di dời chợ cũ vì chợ đầu mối Phú Hậu cũ chỉ là chợ tạm. Vị trí chợ cũ theo quy hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (tại quyết định số 2071/QĐ-UBND ngày 5.10.1998) là đất công cộng và đất cây xanh. Chợ tạm Phú Hậu hiện nay cũng quá nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh, môi trường và cảnh quan đô thị.
Quá trình đầu tư chợ mới Phú Hậu tại vị trí mới (số 45A Nguyễn Gia Thiều, P.Phú Hậu, TP.Huế) đã thực hiện theo đúng quy hoạch của Bộ Công thương và UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế. Chủ trương đầu tư là xã hội hóa, và Công ty CP đầu tư Phú Hậu được cấp phép đầu tư theo đúng trình tự thủ tục, với thời hạn thuê đất 40 năm.
Mặc dù vậy, trong quá trình di dời chợ mới, nhiều hộ tiểu thương đã phản đối vì cho rằng giá thuê lô cao hơn chợ cũ, diện tích lô nhỏ và thời hạn thuê lô 5 năm là không phù hợp (vì cho rằng sau thời gian đó, họ có nguy cơ bị mất lô)… Từ ý kiến, nguyện vọng của bà con tiểu thương, Chủ tịch UBND TP.Huế đã yêu cầu Công ty CP đầu tư Phú Hậu giải quyết một số chính sách theo nguyện vọng chính đáng của tiểu thương.
Chợ mới Phú Hậu - Ảnh: B.N.L
|
Cụ thể, để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh được thuận lợi, Chủ tịch UBND TP.Huế khẳng định: “Nhà nước cho Công ty CP đầu tư Phú Hậu thuê đất 40 năm, thì bà con vẫn được thuê 40 năm. Theo đó, công ty ký hợp đồng với các hộ tiểu thương cần nêu rõ thời gian thuê lô là 5 năm, sau thời gian 5 năm các hộ vẫn được quyền thuê lô và được quyền chuyển nhượng lô, khi nào nhà nước thu hồi đất mới kết thúc hợp đồng.
Về thời hạn nộp tiền thuê lô, trước đó công ty quy định là từ 2 - 3 năm (trong thời hạn 5 năm) và nếu số tiền chưa đóng kịp sẽ tính lãi. Như vậy cộng lại bà con phải đóng khoản tiền khá lớn, Chủ tịch UBND TP.Huế đề nghị và công ty đã chấp nhận giãn thời hạn nộp tiền này ra 2 năm, 1 năm hoặc có thể thu hằng tháng… để các hộ dễ có điều kiện nộp. Số tiền còn lại bà con chưa nộp, sau khi đã nộp đợt 1 công ty không tính lãi.
Để hỗ trợ bà con tiểu thương có nguồn thu, kinh doanh trong giai đoạn Tết dương lịch và Tết cổ truyền (tháng 12.2015 và tháng 1.2016) công ty hỗ trợ 2 tháng đầu không tính tiền thuê lô cho tất cả các hộ kinh doanh.
Kết thúc buổi đối thoại, đa số tiểu thương đã đồng thuận và chấp nhận vào chợ mới kinh doanh.
Tra đổi với PV Thanh Niên về những hộ kinh doanh hàng rong, trước nay không thuê lô vẫn còn thắc mắc vì sợ không có chỗ kinh doanh buôn bán, ông Ngô Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Huế, cho biết trong chợ mới vẫn có dành một khu vực rộng khoảng 700 m2 cho các hộ kinh doanh theo dạng này. Các hộ vẫn có thể vào buôn bán đàng hoàng và ngày nào có bán mới thu tiền. Theo ông Tuấn thì khoản thu này rất nhỏ, chủ yếu là thu tiền phí vệ sinh môi trường.
“Tôi cam kết là vẫn có chỗ cho bà con nghèo được kinh doanh, kiếm sống tại chợ mới. Nếu ai không có chỗ cứ trực tiếp vào làm việc với công ty để được bố trí. Nếu công ty không giải quyết, cứ trực tiếp khiếu nại với tôi”, ông Ngô Anh Tuấn nói.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa, sau khi có thông báo đóng cửa chợ đầu mối Phú Hậu cũ, để chuyển về chợ mới của UBND TP.Huế, trong ngày 1 và 2.12, nhiều tiểu thương đã kéo lên trước trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế để phản đối việc di dời chợ. Vụ việc đã tạo thành điểm nóng, khiến chính quyền phải điều các lực lượng chức năng đến giữ gìn an ninh, trật tự và tổ chức đối thoại để giải quyết nguyện vọng của tiểu thương.
Bình luận (0)