Cho phép tố cáo cán bộ công chức nghỉ hưu sẽ khiến tình hình phức tạp?

08/11/2017 11:20 GMT+7

Theo đại biểu Quốc hội Ngô Tuấn Nghĩa, có những cán bộ có năng lực, có nhiều cống hiến, nhiều thành tích nhưng khi nghỉ hưu lại bị tố cáo đã gây ra tình hình phức tạp.

Sáng nay (8.11), thảo luận tại tổ về dự thảo luật Tố cáo (sửa đổi), đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị không nên đưa diện cán bộ công chức đã nghĩ hưu vào diện điều chỉnh của luật. “Tôi nghĩ, cán bộ đã trải qua nhiều đơn vị, nhiều chức vụ. Có những vụ việc thời điểm đó là đúng nhưng sau này chưa phù hợp, do đó nếu cho phép sẽ ảnh hưởng đến cán bộ nghỉ hưu”, ông Nghĩa nêu.
Ông Nghĩa cũng góp ý dự thảo luật nên thu hẹp hình thức tố cáo, chỉ dừng ở tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Theo ông, quy định quá rộng sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan hoặc tạo điều kiện cho những phần tử xấu lợi dụng để quấy rối cán bộ.
Trong khi đó, đại biểu Thích Nữ Tín Liên (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) lại có quan điểm ngược lại. Theo đại biểu Liên, nếu không cho tố cáo cán bộ công chức đã nghỉ hưu sẽ dẫn đến lọt tội. “Có những cán bộ làm sai hoặc tham nhũng khi đang có chức có quyền thì dân không dám tố cáo, khi họ về hưu mà luật chẳng cho phép là bất hợp lý’’, đại biểu Liên nói.

tin liên quan

Đơn tố cáo nặc danh cũng có thể được xem xét
Sáng 14.3, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tố cáo.
Trước đó, đầu giờ sáng nay (8.11), trình báo báo cáo thẩm tra dự án luật Tố cáo (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng khi thấy có hành vi vi phạm pháp luật xảy ra, người tố cáo báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật tiếp diễn, khắc phục các hậu quả của hành vi vi phạm và cuối cùng mới là xử lý đối với người vi phạm (người bị tố cáo).
Vì vậy, khi tiếp nhận tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ, công vụ bất kể người có hành vi vi phạm còn đang đương chức hay đã nghỉ hưu, chuyển công tác khác thì cơ quan có thẩm quyền đều có trách nhiệm xem xét, thụ lý và giải quyết theo quy định của luật Tố cáo và pháp luật có liên quan. Do đó, tuy không cần ghi ngay tại điều 1 về phạm vi điều chỉnh nhưng việc quy định rõ trong luật này về thẩm quyền xem xét, giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay không còn là cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Ủy ban Pháp luật, đây là nội dung bổ sung rất quan trọng và kịp thời, tạo cơ sở pháp lý để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng có hành vi vi phạm pháp luật khi còn đương chức; góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.