Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu năm 2021 xuất khẩu thủy sản ngược dòng vào cuối năm để về đích với con số kỷ lục 8,9 tỉ USD thì năm 2022 hoàn toàn ngược lại, tăng tốc ngay đầu năm để đạt cột mốc 10 tỉ USD chỉ trong 11 tháng.
Mực và bạch tuộc thuộc nhóm tăng trưởng cao trong ngành hàng thủy sản xuất khẩu |
Chí Nhân |
Trong số này, tăng trưởng mạnh nhất là ngành xuất khẩu cá tra đạt tốc độ 77% (trong 10 tháng), tương đương kim ngạch 2,1 tỉ USD. Xung đột Nga - Ukraine làm nguồn cung cá thịt trắng hạn chế tạo điều kiện cho sản phẩm cá tra Việt Nam mở rộng thị trường. Nhu cầu cao khiến giá xuất khẩu cá tra trung bình tăng 50% so với cùng kỳ. Đây là hai yếu tố quan trọng giúp xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh.
Ngành hàng chủ lực là tôm vẫn tăng trưởng 18% và đạt giá trị 3,8 tỉ USD. Lần đầu tiên, xuất khẩu cá ngừ sẽ đạt con số kỷ lục 1 tỉ USD, tăng đến 49% so với 10 tháng của năm 2021. Bên cạnh đó, nhóm mực và bạch tuộc cũng tăng trưởng 33% đạt 630 triệu USD…
Dù thiết lập hàng loạt cột mốc quan trọng nhưng ngành thủy sản cũng đối mặt với nhiều khó khăn do kinh tế thế giới rơi vào giai đoạn suy thoái. Điều này dẫn đến thị trường tiêu thụ chậm lại, nhiều nhà nhập khẩu hủy và hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng.
Mặt khác doanh nghiệp thiếu vốn để quay vòng sản xuất, thu mua nguyên liệu cho bà con nông ngư dân. Cả doanh nghiệp và nông ngư dân đều khó tiếp cận vay vốn trước thực trạng các ngân hàng đóng các room tín dụng, không giải ngân. Việc này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành trong thời gian tới, dẫn tới đình trệ sản xuất, thiếu nguyên liệu, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Bình luận (0)