Chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Washington báo hiệu một cột mốc mới trong việc nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ sau 20 năm bình thường hóa quan hệ. Trong đó, vấn đề an ninh quốc phòng thu hút sự quan tâm rộng rãi. Sự quan tâm này là dễ hiểu bởi những biến động chính trị gần đây trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hơn thế nữa, gần đây, hai nước cũng có nhiều bước chuyển biến tích cực trong quan hệ an ninh quốc phòng. Cụ thể, Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với VN và cam kết hỗ trợ về an ninh hàng hải. Trước chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bộ trưởng quốc phòng hai nước cũng đã ký kết Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng với nhiều sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác song phương. Hơn thế nữa, bên cạnh các đối tác truyền thống, VN những năm gần đây cũng trang bị khí tài của nhiều nước khác để tăng cường hợp tác quốc phòng với nhiều nước, đa dạng hóa đối tác. Ví dụ, lực lượng Cảnh sát biển VN đã được trang bị các tàu tuần tra mới với công nghệ, thiết kế do Tập đoàn Damen của Hà Lan chuyển giao. VN cũng hợp tác với Israel về công nghệ quốc phòng.
Trước mắt, với nhu cầu bảo vệ chủ quyền, VN có nhu cầu trang bị các thiết bị giám sát trên biển hiện đại do các công ty Mỹ cung cấp, điển hình như một số hệ thống quang điện. Mặt khác, nước Mỹ cũng có được lợi ích từ việc cung cấp khí tài cho VN.
Tất nhiên, quan hệ hai nước không chỉ có vấn đề an ninh quốc phòng. Hầu hết các lĩnh vực đều đã có nhiều bước tiến rất xa. Trong vấn đề kinh tế, gần như chắc chắn, VN cùng Mỹ và một số nước khác sẽ sớm đi đến ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngay cả khi chưa có TPP quan hệ thương mại hai nước đã phát triển rất nhanh, với tổng kim ngạch thương mại năm 2014 đạt hơn 36 tỉ USD, tức tăng khoảng 90 lần sau 20 năm bình thường hóa quan hệ. Tương tự, vấn đề hợp tác trong giáo dục đào tạo song phương cũng có rất nhiều bước tiến như một số chương trình học bổng, thành lập Trường đại học Fulbright tại VN.
Chính vì thế, nhiều nhà bình luận dự đoán Việt - Mỹ sẽ sớm hợp tác mạnh mẽ hơn nữa về nhiều mặt, bằng các sáng kiến cụ thể hơn. Đó chính là bước bình thường hóa quan trọng tiếp theo giữa hai nước để đạt đến sự hợp tác cùng chia sẻ toàn diện quan điểm và các lợi ích chung.
(*) Chuyên gia của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore)
Bình luận (0)