Cốt truyện ToyQuest ẩn chứa nhiều thông điệp giá trị
Là sản phẩm game được đánh giá đầu tư kỹ trong năm 2014 - 2015, kỳ vọng trở thành dấu ấn đột phá về sáng tạo game Việt, trò chơi ToyQuest của studio Hiker Games (Emobi Games) đang tiến đến những nấc hoàn thiện cuối cùng để ra mắt cộng đồng chính thức vào cuối năm 2015.
Tự động phát
Thanh Niên Games đã trao đổi ngắn cùng ông Nguyễn Vũ Phương, trưởng nhóm Hiker Games về tựa game này để làm rõ những vấn đề đáng chú ý.
Thanh Niên Game: Theo ông, chính xác thì đến thời điểm nào ToyQuest sẽ chính thức ra mắt cộng đồng game thủ? Game sẽ chạy trên những nền tảng nào? Có gì đột phá riêng trong sản phẩm, như cách chơi, cấu trúc nội dung?
Ông Nguyễn Vũ Phương: Thời điểm ToyQuest được chúng tôi ấn định phát hành sẽ là cuối năm 2015. Phiên bản đầu tiên của game sẽ chạy trên hai hệ điều hành Windows và Mac, đều là phiên bản dùng cho máy tính để bàn và máy tính xách tay.
Trò chơi này, chúng tôi nhắm đến thị trường quốc tế, nên sẽ không có đột phá mang tính cách mạng nào, mà chúng tôi chỉ chú trọng vào chất lượng sản xuất, đi sâu vào những cơ hội trải nghiệm đáng nhớ dành cho người chơi, thông qua lối chơi và câu truyện.
Qua thông tin lâu nay, thì phiên bản game này sẽ chỉ có tiếng Anh, không có tiếng Việt? Ông có thể lý giải vì sao hướng lựa chọn sản phẩm lại thuần về bên ngoài như vậy, hay do tiêu chí ở Hike Games là quốc tế hóa?
Chính xác thì ToyQuest sẽ phát hành ở thị trường toàn cầu. Đó cũng là mục đích khi chúng tôi quyết định mang trò chơi lên Steam. Cho nên, tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ chính, đầu tiên của trò chơi, bởi tính chất toàn cầu.
Đương nhiên, suốt quá trình xây dựng phát hành về sau này, ToyQuest sẽ cố gắng hỗ trợ ở nhiều ngôn ngữ nhất với điều kiện có thể. Và tiếng Việt là ngôn ngữ được chúng tôi ưu tiên hàng đầu, vì ai cũng sẽ hiểu, chúng tôi là studio của người Việt Nam.
Thế với những người chơi muốn tìm hiểu sản phẩm này, ông có thể có lời khuyên, chỉ dẫn nào ngắn gọn cho họ? Đối tượng game thủ nào, theo ông là thích hợp nhất với dạng game này?
Chúng tôi liên tục cập nhật và công bố về tiến độ dự án, kế hoạch phát hành và mọi thông tin của ToyQuest trên trang chủ www.hikergames.com, rất mong mọi người quan tâm sẽ vào để tham khảo.
Về đối tượng game thủ mà ToyQuest nhắm đến, chúng tôi xác định nên là tập thể người chơi đã từng chơi những game trên các hệ máy cổ lưu hành vào những năm 90.
Chúng tôi xác định, trò chơi này mang dáng dấp của những nét đẹp trong quá khứ ngành game, những hình ảnh mà bất kỳ ai đã từng sống qua những tháng ngày tươi đẹp ấy, sẽ bồi hồi và hấp dẫn khi nhìn thấy.
Sống lại những cảm giác hào hứng, sôi động trong những năm đầu tiếp cận thế giới game, chắc chắn sẽ là điều rất nhiều người sẵn sàng trả nhiều công sức, thời gian lẫn tiền bạc để có được.
Đồng thời, mở rộng ra các nhóm người chơi, chúng tôi lưu ý những game thủ ưa thích trải nghiệm game offline, thích tính thử thách cao trong game, có thái độ kiên nhẫn, biết mày mò tìm hiểu, khám phá khi chơi game, sẽ rất phù hợp với ToyQuest. Phải thật sự có thời gian và tinh thần đọc, hiểu và suy ngẫm về nội dung trò chơi, người chơi mới từ tốn thấm được vào câu chuyện ToyQuest, roofi qua đó hiểu được những thông điệp giá trị mà chúng tôi muốn trao gởi cho mọi người.
Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động hiện nay, việc ra một sản phẩm game luôn gắn với nhiều thách thức, cạnh tranh cả tốt lẫn xấu. Giải pháp trước đây được bên ông xác định là tự phát hành. Nay ToyQuest sẽ được giao cho một đơn vị phát hành. Điều này theo ông, sẽ hứa hẹn mang lại những ưu thế nào, qua đó cơ hội sản phẩm sẽ ra sao?
Khác với phát hành một game online trong nước, bài toán phát hành một tựa game indie offline trên phạm vi toàn cầu là một thách thức hoàn toàn khác biệt. ToyQuest có thể nói đang được tự phát hành, trong đó Steam chỉ là một kênh chính trong nhiều kênh mà Hikergames chúng tôi sử dụng để sản phẩm này được bán càng rộng rãi càng tốt.
Chúng tôi nghĩ, đó cũng là cách tốt nhất để tất cả các game cùng dạng và quy mô như của ToyQuest nên được sử dụng để phát hành hiện nay. Với cách này, chúng tôi tin chắc rằng, cơ hội thành công sẽ phụ thuộc chính vào chính chất lượng của sản phẩm, chứ không phải là những thông tin cảm giác bên ngoài.
Nhiều người nói rằng các studio games Việt ra sản phẩm rất chậm, không nắm kịp tốc độ thị trường. Nhưng nếu ra nhanh, thì đa phần sản phẩm lại không có chất lượng cao. Hiện trạng này dẫn đến sức cạnh tranh các sản phẩm ở người Việt không tốt. Toy Quest có vẻ là một sản phẩm đã được đầu tư phát triển trong thiên hướng tốt hơn nên chậm như vậy. Ông có nghĩ như thế không?
Như đã nói, ToyQuest được tập trung đầu tư chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh công bình trên thị trường quốc tế. Nhưng thành công của trò chơi sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác mà thời gian dài ngắn khi đầu tư sẽ không thể giải quyết được.
Thực tế thì đó là những thiếu hụt về kinh nghiệm, nguồn nhân lực mà tập thể Hikergames cũng đang cố gắng tích lũy.
Với sản phẩm này, ông tự đánh giá mức độ phát triển của studio games Hike và Emobi như thế nào rồi? Những lợi thế có được đến nay, sau một thời gian cọ xát với các sản phẩm hướng về nhu cầu thị trường? Cái còn yếu, còn thiếu của đội ngũ là gì?
Studio chúng tôi tự nhận thấy mình đã tiến bộ nhiều qua sản phẩm này, nhưng chung quy chúng tôi vẫn còn cần học hỏi và trau dồi thêm rất nhiều nữa. Chúng tôi cho rằng, về những điểm yếu hay còn khuyết thiếu của mình, thì đánh giá không bao giờ hết. Bởi một khi mình tiến bộ được một phần, thì ở ngoài kia, người ta đã tiến bộ rất nhiều.
Bình luận (0)