Sau hơn 1 tuần triển khai, trung bình mỗi ngày có hơn 20 trường hợp bị xử phạt, thượng tá Lê Văn Lực, Phó phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng (ảnh) cho biết:
- Nghị định 46 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1.8, lực lượng Phòng CSGT cũng như Đội CSGT các quận, huyện vừa xử lý, vừa tuyên truyền để người dân chấp hành.
Nghị định 46 Chính phủ quy định hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông chứ không nói rõ đèn vàng, đèn đỏ. Tuy nhiên, căn cứ khoản 3, Điều 10 luật Giao thông đường bộ đã quy định cụ thể khi thấy tín hiệu đèn vàng phải dừng lại trước vạch dừng, nếu đã đi quá vạch thì phải đi tiếp, trường hợp đèn vàng nhấp nháy thì phương tiện đi chậm lại, quan sát nhường đường cho người đi bộ.
* Trước việc người dân vẫn còn bỡ ngỡ khi bị xử phạt lỗi vượt đèn vàng, lực lượng CSGT sẽ xử lý như thế nào nếu người dân phản ứng, thưa ông?
- Về tranh cãi đối với việc xử phạt vượt đèn vàng, các chuyên gia bình luận rất nhiều, nhưng bên cạnh đó, Điều 24 luật Giao thông đường bộ cũng quy định người tham gia giao thông vào giao lộ phải giảm tốc độ, chú ý quan sát và nhường đường. Điều này không chỉ luật ở VN mà trên thế giới cũng vậy, chúng ta không thể đi ngoài quy luật. Điều này cũng phù hợp với phản ứng tự nhiên của con người khi chạy xe vào chỗ đông người, chứ không chờ luật hướng dẫn.
Có thể thấy các quy định trên phù hợp theo Nghị định của Chính phủ, nên sau khi được giải thích, người dân đều chấp hành, lực lượng xử lý không gặp khó khăn. Trong hơn 1 tuần qua, phần đông người vi phạm đều nói “tôi không biết”, nhưng lực lượng CSGT cũng chưa gặp các trường hợp bất hợp tác. Chúng tôi cũng đã quán triệt anh em khi xử lý phải tuyên truyền cặn kẽ, làm sao để người dân nắm được luật để chấp hành mới là mục đích cuối cùng.
Bình luận (0)