CSGT được giơ chân chặn bắt người lái xe vi phạm?

19/07/2016 20:09 GMT+7

Theo các chuyên gia pháp lý, CSGT được quyền ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý hành vi vi phạm, thế nhưng việc CSGT giơ chân chặn bắt xe làm người điều khiển ngã nhào thì lại là hành động gây nguy hiểm cho người khác.

Ngày 19.7, trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3 thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.Hà Nội) cho biết cán bộ cảnh sát giơ chân ngăn chặn xe vi phạm tại phố Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) đã bị tạm đình chỉ để viết tường trình, làm rõ vụ việc.
Đáng lo
Thạc sĩ, luật sư (LS) Võ Công Hạnh (Đoàn LS tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng hai thanh niên ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều rõ ràng là vi phạm luật giao thông, coi thường sức khỏe và tính mạng của bản thân và những người tham gia giao thông khác.
Căn cứ Điều 87 Luật Giao thông đường bộ 2008 về nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ thì việc mà chiến sĩ CSGT dừng xe người vi phạm là đang thực hiện theo đúng chức năng.
VIDEO: CSGT giơ chân chặt bắt xe vi phạm đang lan truyền trên mạng
Tuy nhiên, thái độ ứng xử của người CSGT trong clip mới là điều đáng lo, vì có thể thấy sau khi CSGT giơ chân lên để chặn xe thì chiếc xe mất lái, đâm vào dải phân cách cứng rồi trượt trên mặt đường. Hai thanh niên trên xe máy va vào dải phân cách, gần đó là tủ điện.
“Đây là hành vi nguy hiểm, có thể dẫn đến hậu quả chết người, vừa nguy hiểm tới tính mạng của người vi phạm, vừa nguy hiểm tới những người tham gia giao thông”, LS Hạnh nhận định.
Hai người ngồi trên xe máy ngã lên dải phân cách, còn xe máy thì trượt dài
Hai người ngồi trên xe máy ngã lên dải phân cách, còn xe máy thì trượt dài Ảnh chụp màn hình
Đồng quan điểm, luật gia Nguyễn Thành Duy (Hãng luật Minh Mẫn, TP.HCM) cũng cho rằng hai thanh niên chạy xe ngược chiều với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm là vi phạm nghiêm trọng luật giao thông, gây nguy hiểm cho người khác, đáng bị xử lý.
Nhưng việc CSGT chặn xe vi phạm như vậy là không đảm bảo an toàn cho những người, phương tiện đang tham gia giao thông.
“Trong trường hợp này CSGT đó đã vi phạm khoản 11 Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính. Đó là nghiêm cấm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính”, luật gia Duy nêu ý kiến.
Trước đó, tối 18.7, trên các trang mạng xã hội xuất hiện video clip một CSGT lao ra đường chặn xe máy đi ngược chiều.
Theo nội dung đoạn clip, người CSGT chạy từ vỉa hè, lao ra giữa đường chặn bắt hai thanh niên đi trên xe máy chạy ngược chiều với tốc độ nhanh, không đội mũ bảo hiểm. Khi chặn bắt, người CSGT này cũng đã có hành động cố gắng để dừng người vi phạm. Tuy nhiên, hai thanh niên này không dừng lại mà vẫn chạy tiếp, vị CSGT giơ chân để chặn thì hai người đi xe máy lao vào dải phân cách, chiếc xe trượt dài trên đường.
Sau khi được đăng tải, đoạn clip nhận được hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ. Nhiều ý kiến cho rằng CSGT giơ chân chặn bắt hai người đi xe máy nên rất nguy hiểm. Một số ý kiến khác lại ủng hộ vì cho rằng nếu CSGT không ngăn chặn hai thanh niên này lại thì rất có thể hai thanh niên này sẽ gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.
Thông tư 01/2016 Bộ Công an (có hiệu lực từ 15.2.106)
QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, HÌNH THỨC, NỘI DUNG TUẦN TRA, KIỂM SOÁT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ CỦA CẢNH SÁT GIAO THÔNG
Điều 5. Quyền hạn
1. Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
2. Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật.
3. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
4. Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
5. Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
6. Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.
7. Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng phương tiện, đỗ phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
8. Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 14: Nội dung kiểm khoản
Khoản 2, điểm B - Kiểm soát thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
Trường hợp chưa dừng ngay được phương tiện để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định, Tổ trưởng tổ tuần tra, kiểm soát phải báo cáo Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên thực hiện việc thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu người vi phạm đến trụ sở Công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết. Khi giải quyết vụ, việc phải cho người vi phạm xem hình ảnh hoặc kết quả ghi, thu được về hành vi vi phạm của họ; lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.