Nhằm xây dựng hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giỏi nghiệp vụ và thân thiện với người dân, tại cuộc họp tổng kết tháng 11 và triển khai nhiệm vụ dịp cuối năm của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt diễn ra vào ngày 9.12, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67), Công an TP.Hà Nội, cho biết sẽ xử lý nghiêm những trường hợp CSGT núp chỗ kín đáo, không đứng công khai và giật chìa khóa xe của người vi phạm.
Những trường hợp không nghiêm chỉnh chấp hành chỉ đạo của cấp trên sẽ bị lập biên bản, xử lý nghiêm theo đúng quy định. Đại tá Thắng cho biết thêm, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các tổ công tác thuộc PC67 phải công khai lập chốt, không đứng ở chỗ khuất, mà phải đứng ở điểm người tham gia giao thông dễ dàng nhận biết.
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, nhiều người dân Hà Nội rất đồng tình với chủ trương trên. Bà Nguyễn Thị Mai (47 tuổi, ngụ ở đường Lò Đúc, Q.Hai Bà Trưng), cho biết: “Tôi làm ở dưới khu vực Văn Điển, chiều nào cũng đi về qua tuyến đường Giải Phóng - Đại Cồ Việt nên thường xuyên tận mắt thấy CSGT đứng núp ở góc khuất, sau mấy bóng cây để bắt những trường hợp vi phạm giao thông. Cụ thể là ở cuối đường Giải Phóng giao nhau với đường Đại Cồ Việt là khúc cua, khuất tầm nhìn, do vậy CSGT thường đứng ở vị trí này để dừng xe người mắc lỗi. Đơn cử như trường hợp của tôi, đi sai làn trên đường Giải Phóng và rẽ phải quên không bật xi nhan, y như rằng khi vừa đi tới đoạn khuất tầm nhìn là bị bắt lại. Có lần như vậy tôi bị giật mình, suýt nữa thì ngã xe”.
Còn anh Trần Việt Thắng (35 tuổi, ngụ ở phố Chùa Láng, Q.Đống Đa) thì cho rằng: “Không chỉ là quan điểm của tôi mà còn của nhiều người khác, bởi CSGT đại diện cho luật pháp, chính vì vậy càng cần phải rõ ràng, minh bạch không thể núp chỗ khuất khi xử lý vi phạm. Không những thế, CSGT cần xuất hiện ở những nơi mà người tham gia giao thông dễ thấy nhất. Khi đó người dân tham gia giao thông sẽ ý thức hơn, ít vi phạm hơn”.
Luật sư Nguyễn Ánh Thơm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nói thêm: “Bộ Công an đã có những văn bản, quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn hoạt động tuần tra, kiểm soát của CSGT. Theo đó, khi các tổ công tác làm nhiệm vụ, muốn dừng phương tiện người tham gia giao thông để kiểm tra, xe của cảnh sát phải bật đèn tín hiệu, cán bộ phải đứng ở vị trí công khai, có thái độ lịch sự, đúng mực”.
Thượng tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT TP.Đà Nẵng, cho biết: “Có thể khẳng định không còn hiện tượng "núp lùm" xử lý vi phạm; không có hành vi khiếm nhã thiếu thân thiện của CSGT Đà Nẵng trong quá trình làm nhiệm vụ. Riêng các tình huống người vi phạm có hành vi chống đối, say xỉn... chúng tôi buộc phải sử dụng các biện pháp mạnh tay. Đối với trường hợp bắn tốc độ, CSGT mặc thường phục đứng trên một số tuyến đường theo đúng Thông tư số 65/2012/TTBCA ngày 30.10.2012 của Bộ Công an quy định và hướng dẫn về chức năng, nội dung và hình thức tuần tra kiểm soát”. Trần Phương |
Bình luận (0)