(TNO) Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cho rằng, cảnh sát giao thông (CSGT) phải xử lý nghiêm minh và truy đuổi các trường hợp vi phạm luật giao thông nhưng lái xe điều khiển phương tiện bỏ chạy. Để đảm bảo an toàn cho người tham giao thông, cảnh sát nên sử dụng xe có còi hụ.
Vụ tài xế taxi vi phạm luật giao thông bỏ chạy mới xảy ra gần đây tại Hà Nội - Ảnh: Nam Anh
|
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, những vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường cấm, sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện… ngày càng phổ biến xuất phát từ việc xử lý không nghiêm minh.
“Nếu những vi phạm đó cứ được bỏ qua, không xử lý thì sẽ càng dẫn tới những hậu quả khó lường, nhờn luật. Tôi có xem một số clip trên mạng, thấy người vi phạm còn đùa giỡn với CSGT trên đường. Việc bắt được quả tang trong trường hợp người vi phạm bỏ chạy là cần thiết, bởi có thể xem xét thêm hành vi chống người thi hành công vụ, xử lý hình sự”, ông Hậu nói.
Ông Hậu cho biết, ở nước ngoài tiếng còi hiệu của CSGT có thể khiến người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông “xanh mặt”. “Vi phạm thôi đã bị phạt nặng rồi, nhưng nếu anh bỏ chạy thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, ngồi tù nên họ chấp hành luật, tuân thủ hiệu lệnh của CSGT rất nghiêm minh. Sẽ có nhiều người nói, giờ nhiều nơi như Hà Nội, TP.HCM đã trang bị camera phạt nguội rồi, cần gì phải truy đuổi nữa, nhưng vừa rồi ở TP.HCM có tới 3.000 vụ phạt nguội nhưng không đến đóng phạt thì làm thế nào? Nhiều người vi phạm bị phát hiện qua camera cự cãi, không thực hiện đóng tiền phạt nguội nên CSGT TP.HCM mới đưa số xe vi phạm lên website, nhưng như thế cũng chưa giải quyết hết được vấn đề”, ông Hậu phân tích.
Luật sư Hậu cho rằng vấn đề nằm ở chỗ phải tăng cường trang bị phương tiện cho lực lượng CSGT tốt hơn. “CSGT phải dùng xe mô tô phân khối lớn, có còi hụ báo hiệu. Trường hợp truy đuổi thì dùng phương tiện đó và có còi hụ để các phương tiện tham gia giao thông trên đường dạt ra hai bên nhường đường. Nhưng hiện nay, tôi thấy CSGT ở Hà Nội còn sử dụng rất nhiều xe máy bình thường để truy đuổi, việc này không được chuyên nghiệp lắm, trông kỳ kỳ và nguy hiểm cho chính CSGT khi làm việc đó”, ông Hậu bày tỏ.
Theo một chuyên gia luật, các quy định hiện hành cho phép CSGT “được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”. Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông cũng được coi là “hành vi chống người thi hành công vụ”. Khi đó, CSGT có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi này, trong đó có quyền giữ người có hành vi chống đối.
Bình luận (0)