Bên cạnh đó, CSGT sẽ xử phạt nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: vi phạm nồng độ cồn, chạy xe quá tốc độ, lạng lách, đi vào đường cấm,...
'Như chưa hề có Nghị định 100'
Sau thời gian giãn cách xã hội, hàng loạt quán nhậu tưng bừng mở lại, tung ra các chương trình khuyến mãi để thu hút khách. Dọc đường Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh, Q.Gò Vấp) - con đường đẹp nhất nội đô cũng là con đường ăn nhậu khách ngồi sát nhau, từ quán lớn đến quán bình dân.
Không chỉ vậy, các quán bán dạng beerclub, pub cũng trong tình trạng kín bàn vào giờ cao điểm (20 giờ - 21 giờ). Điều đáng nói là sau khi uống bia xong, đa số vẫn tự đứng lên lấy xe chạy về.
|
Lãnh đạo một đội CSGT ở khu trung tâm TP.HCM cho biết rất bất ngờ vì sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế số người vi phạm nồng độ cồn tăng đột biến. Vị này nói: "Trong thời gian vừa có Nghị định 100, CSGT đi cả tối có khi không xử lý được trường hợp vi phạm nào. Mà nay một ca 4 tiếng xử lý cũng phải 10-15 trường hợp, cứ thấy ai lái xe loạng choạng, mắt đỏ lừ thổi vào là y như rằng có nồng độ cồn".
Với số liệu vi phạm như thế này, vị lãnh đạo đội CSGT cho biết số người vi phạm nồng độ cồn đang ngang ngửa với thời chưa có Nghị định 100. Nhiều người vi phạm bị lập biên bản làm việc văn phòng, viên chức nói phải đi tiếp khách, đi xã giao hoặc "quen rồi không bỏ được".
"Dường như người dân đang bão hòa rồi, không còn sợ Nghị định 100 nữa. Thậm chí, nhiều người thoải mái đi nhậu như chưa hề có Nghị định 100", vị này bày tỏ.
|
Lãnh đạo một đội CSGT ở khu vực ngoại thành, thường lập chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn trên tuyến Quốc lộ 1 cũng cho hay, số liệu vi phạm nồng độ cồn từng đêm mà đội xử lý đang có chiều hướng tăng trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.
Nếu như tháng trước, mỗi đêm đội chỉ ghi nhận 1-2 trường hợp vi phạm nồng độ cồn hoặc không có thì đến nay, đêm nào cũng lập biên bản 5-7 trường hợp.
"Người vi phạm thường biện đủ lý do như gặp lại bạn bè sau bao nhiêu ngày giãn cách xã hội, bàn chuyện làm ăn hoặc ngồi với đồng nghiệp,... Họ ngại gửi xe lại quán vì sợ hôm sau không có xe đi làm, nhưng chính điều này là mối nguy hiểm cho tính mạng của họ và những người xung quanh", lãnh đạo đội CSGT khu vực ngoại thành thông tin.
'Lấy lại thương hiệu của Nghị định 100'
Theo Cổng thông tin điện tử của Cục CSGT, tại hội nghị triển khai kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mới đây, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT cho rằng, sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, các phương tiện giao thông được phép hoạt động trở lại thì việc vi phạm Luật phòng chống tác hại của rượu bia; Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của người tham gia giao thông đang có chiều hướng gia tăng.
|
“Trước đây, khi thực hiện cao điểm về Nghị định 100 thì tại các hàng quán bia, người dân không nhiều như bây giờ, ngay cả trong các sinh hoạt bình thường. Và dư luận cũng đã lên tiếng Nghị định 100 hình như đang bị trùng xuống. Việc thực hiện đợt cao điểm lần này không chỉ nhằm mục đích lập lại trật tự kỷ cương, chấp hành Luật giao thông mà còn lấy lại thương hiệu của Nghị định 100 đối với lực lượng CSGT”, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng phát biểu.
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cũng cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay đã xử lý 488 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng 281 trường hợp xử lý cồn so với thời gian liền kề, chứng tỏ sau giãn cách xã hội tình trạng sử dụng rượu bia của người dân có chiều hướng gia tăng.
|
Cùng với việc người dân và học sinh sinh viên quay trở lại học tập, làm việc nên lưu lượng phương tiện trên địa bàn thành phố tăng cao, nhất là giờ cao điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Do vậy, trong thời gian thực hiện tổng kiểm soát, CSGT sẽ chú trọng đến việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn cũng như các lỗi vi phạm khác để người dân nâng cao ý thức, chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Bình luận (0)