Cuối năm 2023, Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) phối hợp công an các quận, huyện và TP.Thủ Đức tổng kiểm tra nồng độ cồn trên toàn địa bàn TP đã tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn giao thông. Số người bị lập biên bản vi phạm nồng độ cồn tăng mạnh so với cùng kỳ.
Nhiều người say xỉn bỏ xe, bãi tạm giữ của CSGT quá tải
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, xác định thời gian trước, trong và sau tết có nhiều đám tiệc, Phòng PC08 đã tham mưu Ban giám đốc Công an TP.HCM xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra nồng độ cồn theo 3 cấp: cấp thành phố, cấp quận/huyện và cấp phường/xã.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng PC08 cho biết, theo kế hoạch, các đơn vị hành chính công an phường/xã sẽ tổ chức tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về nồng độ cồn để tạo tính nghiêm minh răn đe với người điều khiển xe mà sử dụng rượu bia chất kích thích khi tham gia giao thông trên đường.
Phó trưởng phòng PC08 giải thích, kiểm tra nồng độ cồn ở cấp phường/xã tức là công an của các phường/xã gần nhau sẽ phối hợp thành 1 cụm. Ví dụ: Công an P.Cầu Kho, Công an P.Nguyễn Cư Trinh và Công an P.Cô Giang lập thành 1 cụm kiểm soát rồi phối hợp Công an Q.1 để kiểm tra nồng độ cồn cả trong các ngõ hẻm, đường ngang, lối tắt.
XEM NHANH 20H ngày 11.1: CSGT kiểm tra nồng độ cồn xuyên tết
Đây là điểm mới so với các kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn trước đây lực lượng CSGT TP đã triển khai. Trước đây, thường người dân chỉ thấy công an phường/xã xuất hiện ở các chốt kiểm tra nồng độ cồn khi người vi phạm có hành vi chống đối, không ký biên bản. Còn theo kế hoạch sắp triển khai, công an phường/xã sẽ trực tiếp phối hợp công an quận/huyện kiểm tra nồng độ cồn.
Theo thượng tá Nguyễn Văn Bình, với cách triển khai lực lượng kiểu này, mọi hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn sẽ được phát hiện, xử lý nghiêm và xử lý ngay từ gốc.
"Cuối năm là thời điểm có nhiều đám tiệc, tất niên, CSGT khuyến cáo người dân nên chấp hành tốt pháp luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là trong dịp tết. Người dân không sử dụng rượu bia chất kích thích khi tham gia giao thông. Nếu đã sử dụng rượu bia thì cần sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản sức khỏe của bản thân mình và người tham gia giao thông", Phó trưởng phòng CSGT lưu ý.
Trước đó, tại lễ ra quân thực hiện Năm an toàn giao thông năm 2024, thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng phòng CSGT cũng thông tin, trong năm 2024, PC08 sẽ tham mưu Ban giám đốc Công an TP.HCM có kế hoạch xử lý vi phạm nồng độ cồn ở các tuyến đường, địa điểm, thời gian tại vị trí thường xảy ra tai nạn giao thông hoặc tại tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán ăn mà người dân hay sử dụng rượu bia.
Hình thành ý thức "Đã uống rượu bia, không lái xe"
Trong lễ ra quân cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân sáng nay, thượng tá Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, CSGT tổ chức ra quân kiểm tra đầu ra và đầu vào trên địa bàn thành phố. Lực lượng phối hợp gồm có CSGT của phòng, CSGT công an quận, huyện, cảnh sát cơ động, công an địa phương.
Trong công tác kiểm tra, kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 1, CSGT tập trung vào các hành vi vi phạm về vận tải hàng hóa, vận tải hành khách. Đặc biệt tập trung kiểm tra, kiểm soát vi phạm về nồng độ cồn để hình thành ý thức, văn hóa "đã uống rượu bia, không lái xe".
Lãnh đạo PC08 cũng cho hay, công tác phối hợp tổng kiểm tra nồng độ cồn cuối năm 2023 đã có sự thống nhất, trao đổi cách làm của Công an cấp huyện với Phòng CSGT, từ đó tạo hiệu quả, làm cho người vi phạm khó trốn tránh việc kiểm soát.
Qua đợt kiểm soát vừa qua, CSGT TP đã thu thập được các tài liệu, nhóm người hay vi phạm, thời gian, tuyến đường thường vi phạm. Do đó, CSGT tuần tra kiểm soát có sự thay đổi linh hoạt sang tuần tra, lưu động tập trung ở địa bàn có nhiều quán ăn, nhà hàng.
Bình luận (0)