Xe

CSGT TP.HCM 'thổi' nồng độ cồn kiểu mới, theo kinh nghiệm quốc tế

Từ nay, CSGT TP.HCM chỉ cần cầm một máy đo nồng độ cồn ở chế độ thụ động rồi đến nói chuyện với người chạy xe là biết được người này có vi phạm nồng độ cồn hay không.

Mới đây, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) tổ chức triển khai nhân rộng mô hình, phương pháp hay trong kiểm tra, xử phạt vi phạm về nồng độ cồn, cụ thể là xử phạt nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế.
Trong đợt ra quân năm 2017, các đơn vị Phòng được tổ chức thành 4 cụm công tác luân phiên thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn thành phố tập trung tại các tuyến đường phù hợp cho việc bố trí mô hình kiểm tra. Mỗi cụm bao gồm 4 đơn vị sẽ luân phiên thực hiện công tác kiểm tra từ 20 giờ đến 24 giờ mỗi đêm.
VIDEO: CSGT TP.HCM đo nồng độ cồn kiểu mới, không cần 'thổi' chỉ cần nói chuyện theo cách quốc tế
Ghi nhận tại tổ công tác của Đội CSGT An Lạc tại Quốc lộ 1A đoạn thuộc địa phận xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh trong tối 6.7, tại khu vực kiểm tra có biển báo “Chốt kiểm tra nồng độ cồn”, làn đường kiểm soát nồng độ cồn sẽ được bố trí, phân làn bằng các cọc phản quang hình chóp nón chất liệu nhựa
Trước chốt kiểm tra có CSGT ra hiệu cho người điều khiển phương tiện giảm tốc độ và hướng dẫn đi vào làn đường theo quy định để tới vị trí kiểm tra. Ngoài ra, tổ công tác còn có sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát cơ động. Tại khu vực kiểm tra, CSGT bố trí biển báo: "Chốt kiểm tra nồng độ cồn, làn đường kiển soát nồng độ cồn được bố trí, phân làn bằng các cọc phản quang.
CSGT khi xử phạt các trường hợp vi phạm nồng độ cồn phải có thái độ kiên quyết, khôn khéo và có khả năng giải thích cho người lái xe hiểu các quy định pháp luật để không tái phạm và chấp hành nghiêm việc xử phạt
Mô hình kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế là phương pháp được triển khai áp dụng từ năm 2014. Đây là mô hình kiểm soát nồng độ cồn được tiến hành tại Trạm CSGT hoặc tại một điểm trên đường nhưng phải đảm bảo thuận lợi cho việc tổ chức triển khai kiểm soát xử lý vi phạm và không gây ùn tắc giao thông. Trước đây, việc kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế chỉ áp dụng tại một số trạm thu phí. Các điểm khác sẽ kiểm tra bằng cách thổi ống vào máy đo nồng độ cồn ở chế độ định lượng nên mất nhiều thời gian hơn và số lượng người được kiểm tra ít hơn so với việc kiểm tra theo kinh nghiệm quốc tế.
Khi vào làn đường kiểm tra, người chạy xe không cần xuống xe, chỉ cần nhìn CSGT trả lời một số câu hỏi như: "Anh chạy xe có mang theo giấy tờ không?", "Quê anh ở đâu?", hoặc đếm từ 1 đến 5 là máy đo nồng độ cồn trên tay CSGT sẽ xác định được có vi phạm về nồng độ cồn hay không.
Nếu không có vi phạm, CSGT sẽ cảm ơn và mời người chạy xe tiếp tục hành trình. Trường hợp phát hiện có vi phạm máy sẽ hiện dòng chữ "Cảnh báo" như hình thì người chạy xe sẽ được yêu cầu xuống xe để xác định mức độ vi phạm. Nhiều trường hợp tài xế ô tô khi nói chuyện với CSGT máy báo "Cảnh báo" nhưng khi kiểm tra định lượng để xác định mức độ vi phạm thì không có cồn. CSGT giải thích đây là do trong xe đang chở người vừa sử dụng rượu, bia hoặc có mùi rượu, bia trong xe.
Trung tá Trương Trần Minh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT An Lạc chia sẻ vì mức phạt nồng độ cồn theo Nghị định 46/2016 rất cao kết hợp việc CSGT thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn hàng đêm nên số lượng người vi phạm về nồng độ cồn đang có xu hướng giảm, nhất là với người điều khiển ô tô Ảnh: Vũ Phượng
Trong 2 tiếng bố trí chốt kiểm tra tại Quốc lộ 1A, Đội CSGT An Lạc ghi nhận có 2 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Anh S. - người điều khiển xe ô tô vi phạm cho biết anh vừa đi tiệc thôi nôi về, có uống một ít nhưng không ngờ mức phạt lại tới 17 triệu đồng. Theo Nghị định 46/2016, người điều khiển xe ô tô trong hơi thở chỉ cần có cồn là đã bị tạm giữ xe 7 ngày, tước GPLX 2 tháng và phạt tiền triệu. Riêng với mức cồn từ 0,25mg - 0,4mg/lit khí thở thì người lái xe bị phạt 7 - 8 triệu đồng, từ 0,4mg/lit khí thở trở lên thì bị phạt 16.000.0000 - 18.000.000 đồng.
Một trường hợp chạy xe máy vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,817mg/lit khí thở cho biết: "Tôi làm kinh doanh nên không uống không được, hôm nay cũng uống hơn chục chai rồi nhưng vẫn tỉnh táo, thấy CSGT thổi thì tôi chấp hành thôi"
Đội trưởng Đội CSGT An Lạc cho biết: "Trong quá trình xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, khó tránh được trường hợp người vi phạm chống đối. Do vậy, trong tất cả những lần xử lý vi phạm về nồng độ cồn, CSGT đều dùng camera ghi hình để làm bằng chứng. Tuy nhiên, các trường hợp chống đối thường trong 7 ngày sẽ đến bổ sung giấy tờ để nhận lại xe và ký biên bản vi phạm.
Theo lãnh đạo Đội tham mưu thuộc PC67, việc kiểm tra nồng độ cồn thường xuyên đã kéo giảm được số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn TP từ đầu năm đến nay
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.