Như Thanh Niên đã thông tin, từ 24.11, Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) phối hợp công an các quận, huyện và TP.Thủ Đức tổng kiểm soát nồng độ cồn.
Theo đó, CSGT toàn TP phối hợp thành các cụm CSGT tuần tra, xử lý vi phạm trên địa bàn. Mỗi cụm có từ 3 - 5 đội/trạm CSGT chủ động trao đổi về địa bàn tuần tra, kiểm soát để luân phiên khu vực tuần tra, kiểm soát, đảm bảo nguyên tắc không bị trùng lắp hoặc bỏ sót địa bàn.
Các chốt kiểm soát nồng độ cồn này thời gian đầu khiến nhiều dân mạng "khiếp sợ" khi thấy CSGT lập chốt đo cả ban ngày. Tuy nhiên, sau đó, lãnh đạo PC08 cho hay, người dân TP.HCM cơ bản chấp hành tốt quy định đã uống rượu bia thì không lái xe nên đơn vị đã thay đổi phương án đo nồng độ cồn ban ngày.
Vào buổi tối, các cụm CSGT vẫn tiếp tục phối hợp hoạt động, nhưng ghi nhận số người vi phạm nồng độ cồn đã giảm nhiều.
Nếu như sau 4 ngày ra quân, CSGT đã lập biên bản 891 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 35 ô tô và 856 xe máy; thì tới nay, sau 17 ngày, CSGT phát hiện 1.993 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó 59 ô tô, 1.933 xe máy và 1 xe đạp điện. Ngoài ra, có thêm 9 trường hợp vi phạm có chất ma túy trong cơ thể khi điều khiển xe.
Như vậy, sau 17 ngày, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở khoảng mức gấp đôi 4 ngày đầu và đáng chú ý có cả trường hợp đi xe đạp điện vi phạm nồng độ cồn cũng bị xử phạt. Tuy nhiên, riêng tối qua CSGT tổng kiểm soát 2.955 trường hợp, lập biên bản 90 người đi xe máy vi phạm nồng độ cồn.
Tính tổng 17 ngày, CSGT TP đã tổng kiểm soát 68.471 trường hợp, xác suất vi phạm vào khoảng 2,92%. Tức là CSGT kiểm tra 100 người thì có gần 3 trường hợp vi phạm.
Theo lãnh đạo một đội CSGT, lợi thế của việc phối hợp các đội/trạm thành cụm CSGT để kiểm tra sẽ tạo thế liên hoàn, đan xe, chủ động bố trí lực lượng kiểm tra tại một điểm kết hợp tuần tra, kiểm soát lưu động. Từ đó, nhiều người vi phạm tránh né các vị trí, khu vực kiểm soát của lực lượng chức năng.
Vị này cũng cho hay, CSGT vẫn áp dụng kiểm tra nồng độ cồn vào buổi tối theo cách mời người đi đường đặt miệng cách xa máy khoảng 5 - 10 cm và đếm từ 1 - 5 (đo nồng độ cồn định tính). Máy cho ra kết quả "có cồn" thì CSGT sẽ mời người đi đường vào chốt vào ngậm ống thổi nồng độ cồn định lượng để cho ra số vi phạm cụ thể. Ống này được thay mới sau mỗi lần thổi, đảm bảo vệ sinh, an toàn.
Ngược lại, nếu máy báo "không có cồn", CSGT sẽ mời người dân tiếp tục tham gia giao thông.
Bình luận (0)