CSGT xử phạt vi phạm giao thông trên ứng dụng VNelD như thế nào?

Ngân Nga
Ngân Nga
04/07/2024 05:27 GMT+7

Từ ngày 1.7, nếu giấy phép lái xe của người vi phạm giao thông đã được tích hợp trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID), cảnh sát giao thông sẽ cập nhập thông tin vi phạm vào đây.

Theo Thông tư 28 năm 2024 của Bộ Công an được ban hành ngày 29.6, có hiệu lực ngày 1.7, trường hợp giấy phép lái xe đã được tích hợp ứng dụng VNelD thì khi áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, lực lượng CSGT thực hiện trên môi trường điện tử, cập nhật thông tin vi phạm vào đây.

Do Thông tư 28 có hiệu lực từ ngày 1.7 nên rất nhiều người vi phạm chưa nắm được quy định liên quan đến xử phạt vi phạm giao thông trên ứng dụng VNeID.

Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề trên, luật sư Trần Văn Giới (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, việc xử lý vi phạm hành chính và trả lại các giấy tờ bị tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy phép được thực hiện theo khoản 6 điều 1 Thông tư 28.

Cụ thể, khi bị lập biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm có thể đến trực tiếp cơ quan nhà nước để giải quyết vi phạm, hoặc chấp hành việc xử phạt hành chính thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

CSGT xử phạt vi phạm giao thông trên ứng dụng VNelD như thế nào?- Ảnh 1.

Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ qua ứng dụng VNeID của người vi phạm

PHẠM HỮU

Trường hợp giấy phép lái xe đã được tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì khi áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, người có thẩm quyền thực hiện trên môi trường điện tử, cập nhật thông tin vi phạm vào đây. Mục đích là để người vi phạm, chủ phương tiện (đối với giấy tờ của chủ phương tiện) biết, và để lực lượng chức năng có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Sau khi chấp hành việc xử phạt xong, thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sẽ trả lại giấy tờ bị tạm giữ, bị tước (khi hết thời hạn tước quyền sử dụng) cho người bị xử phạt qua dịch vụ bưu chính công ích. Trường hợp giấy tờ đó có thông tin về việc bị tạm giữ, tước quyền sử dụng trên VNeID, cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì gỡ bỏ nội dung này.

"Như vậy, người nào đang bị tạm giữ giấy phép lái xe, hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trên môi trường điện tử, mà vẫn sử dụng bản cứng giấy tờ để đối phó tiếp tục tham gia giao thông thì cũng không có tác dụng gì cả", luật sư Giới nói. Bởi theo khoản 2 điều 1 Thông tư số 28, nếu người dân xuất trình bản giấy thì cảnh sát giao thông kiểm tra, đối chiếu trực tiếp các giấy tờ đó và tra cứu thông tin trong hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính, cơ sở dữ liệu khác.

Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty luật Lưu Vũ) chia sẻ thêm, việc tạm giữ, tước quyền sử dụng giấy tờ trên ứng dụng điện tử cũng có giá trị như xử lý đối với bản cứng. Vì vậy, việc người vi phạm bị tạm giữ, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trên ứng dụng điện tử mà vẫn tham gia giao thông thì sẽ bị coi là "không có giấy phép lái xe".

Luật sư Toàn dẫn chứng, một người vượt đèn đỏ thì ngoài bị xử phạt về vi phạm này, còn bị xử phạt thêm về hành vi điều khiển xe mà không có giấy phép lái xe. Nếu để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại điều 260 bộ luật Hình sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.