Cụ bà 81 tuổi bán chuối chiên hết mực chăm chồng bại liệt, người người cảm động

Lưu Trân
Lưu Trân
18/06/2018 09:33 GMT+7

Sau khi câu chuyện về cụ bà tóc bạc phơ đang đảo từng trái chuối chiên trên chiếc xe cũ kĩ để nuôi chồng bại liệt được chia sẻ trên mạng xã hội, rất đông người Sài Gòn đã tìm tới để chia sẻ cùng vợ chồng cụ.

Mới đây, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh về cụ bà một thân một mình đẩy xe chuối chiên đi bán trước cổng ngôi chùa Quán Thế Âm (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Theo chia sẻ của người đăng tải, cụ bà được nhiều người gọi là bà Tư “chuối chiên”, chiều chiều bà lại cặm cụi bên chiếc xe đẩy của mình để kiếm tiền nuôi người chồng bị bại liệt.
VIDEO: Cực khổ bao nhiêu nhưng cụ bà vẫn chăm chồng bại liệt từng chút
'Cực thì cực chứ không bỏ chồng được'
Bà Tư “chuối chiên” tên thật là Nguyễn Thị Xóm (81 tuổi), quê ở Quảng Ngãi. Bà kể: “Tui sinh thứ tư nên kêu là bà Tư, từ hồi mới mười mấy tuổi tui đã vô Sài Gòn rồi. Tại ngoài quê nghèo quá, vô đây để đi làm kiếm sống”.
Hằng ngày, bà bán chuối chiên, khoai lang chiên để nuôi người chồng bị bại liệt Ảnh: Lưu Trân
Những ngày đầu nơi đất khách quê người, bà Tư xin đi phụ bưng bê, dọn dẹp cho mấy quán ăn. “Được thời gian thì tui để dành tiền đủ mua được cái tủ gỗ để bán bánh kẹo, mấy thứ quà vặt cho tụi nhỏ trong xóm mua ăn thôi. Sau đó tui gặp rồi quen với ổng là chồng tôi bây giờ, ổng cũng người Quảng Ngãi luôn đó”, bà Tư nhớ lại.

Bà Tư cho biết, vợ chồng ông bà có với nhau 5 người con. Ở cái tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu thì vợ chồng bà Tư lại chọn ở riêng trong một căn nhà nhỏ tại hẻm 86 Thích Quảng Đức (P.5, Q.Phú Nhuận). Bà Tư giải thích rằng ông bà quyết định như vậy vì con cái đều không dư dả gì, ông bà cũng không muốn làm phiền tới con cháu.
Gọi là nhà, nhưng thực chất đó chỉ là một miếng đất tầm 5m2, được che chắn bằng mấy tấm tôn cũ và lấy miếng bạt che nắng che mưa. Bà Tư kể, ông Nguyễn Minh Tuấn (83 tuổi, chồng của bà) sau khi chữa bệnh cột sống thì bị liệt hai chân nên chỉ nằm một chỗ, toàn bộ các chi phí sinh hoạt, cơm, áo, gạo, tiền đều trông chờ vào xe chuối chiên, khoai lang chiên của bà.
“Ngày trước mới gặp nhau, ổng là đồng hương, sau rồi là người thân, là chồng, là bạn đời của tui. Giờ già cả rồi có hai vợ chồng nương lấy nhau mà sống. Cực bao nhiêu tui cũng ráng để chăm sóc ổng, chứ để ổng bệnh tật mà không có cái ăn thì tui không đành lòng”, bà Tư tâm sự.
Bà sống trong căn chòi tại hẻm 86/19 Thích Quảng Đức (phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM) Ảnh: Lưu Trân
Hằng ngày, bà đi nhặt gỗ vụn hay cành cây khô khắp xóm về để dành nhóm lửa. Nhiều người thắc mắc sao bà không mua cái bế gas để dùng cho khỏe thì bà lại món mém cười, rồi nói: “Thôi, tui nấu nướng bếp củi quen rồi, giờ đổi mới thì không nấu được. Bà cái món chuối chiên này phải chiên trên bếp củi nó mới giòn, mới ngon”.
Không giống những nơi khác, chuối chiên của bà được phủ lớp bột áo “đặc biệt” với thành phần bao gồm: bột gạo, bột mì, đường cát trắng và cơm nguội. Giải thích về điều này, bà Tư vui vẻ nói: “Cơm nguội không phải là cơm thừa mà là cơm tui nấu rồi để cho nguội, phải bới cho hạt cơm tơi lên rồi cho vào thau bột trộn đều. Như vậy khi nhúng chuối, nhúng khoai chiên thì nó sẽ giòn lâu hơn”.
Từ khi chồng bại liệt hai chân do chữa bệnh cột sống, mọi gánh nặng gia đình đều do bà Tư gánh vác Ảnh: Lưu Trân
Theo lời bà Tư, cứ 12 giờ trưa thì bà bắt đầu chiên chuối, khoai bán ngay trước nhà, đến tầm 3 giờ chiều là đẩy xe ra đầu hẻm bán. “Tui phải di chuyển nhiều vì ngồi một chỗ thì ít khách, người ta đâu biết mình ở trong này đâu mà ghé mua. Nên bán ở trước hẻm xong là đến 5 giờ tui lại ra trước chùa bán tiếp”.
Khi được hỏi dạo này bà có biết mình “nổi tiếng” trên mạng không, bà Tư cười hiền đáp lại: “Tui không biết sao mà mấy nay nhiều người tới tìm tui lắm. Có người cho túi bánh, lốc sữa, người cho mấy trăm ngàn mua đồ ăn. Còn mấy cô cậu trẻ trẻ thì ghé mua chuối chiên quá trời. Bình thường tui ngồi đến tận 8,9 giờ tối mới bán hết. Còn gần đây là bán đến 6 giờ, trễ nhất 7 giờ lá hết sạch rồi”.
Khi lòng tốt được lan tỏa
Bà Tư nuôi một con mèo nhỏ để bầu bạn Ảnh: Lưu Trân
Sau khi câu chuyện về tình yêu thương của bà Tư “chuối chiên” dành cho người chồng bị bại liệt của mình được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người đã ghé giúp đỡ hai ông bà, khi thì gói bánh, lon nước, lúc là túi gạo hay chỉ đơn giản là đến mua chuối chiên ủng hộ bà Tư.
Chỉ trong một buổi sáng ngồi trò chuyện cùng bà, tôi đã may mắn được chứng kiến lòng tốt của những con người nơi mảnh đất Sài Gòn này. Đó là hai chị em gái ở tận quận Tân Phú, rủ nhau xuống tận nhà bà Tư để mua chuối chiên và tặng cho bà chục kg gạo để dành nấu cơm.
Chuối chiên của bà Tư được bán với giá 5.000 đồng/trái, khoai lang 5.000 đồng/lạng Ảnh: Lưu Trân
Cô Lâm Ngọc Mai (50 tuổi) chia sẻ: “Tôi đọc được trên Facebook bài viết về bà, sau đó tôi với em gái mới quyết định đến mua ủng hộ bà. Tới nơi thì thấy hoàn cảnh gia đình bà khó khăn quá, tự nhiên mình lại xót xa. Bà ngang tuổi cha tuổi mẹ mình mà, cả đời cơ cực chứ già rồi vẫn phải mưu sinh, nuôi chồng thì thật sự rất đáng khâm phục”.
Hay như một cặp đôi trẻ dắt nhau đến mua cho bà tận 10 trái chuối chiên và nửa kg khoai lang chiên. Trong khi cô bạn gái đang ríu rít trò chuyện cùng bà Tư thì cậu bạn trai khẽ rút trong bóp ra một tờ 500.000 đồng, cẩn thận bỏ vào chiếc phong bì rồi nhét trong hộp bánh chuẩn bị biếu bà.
Trước khi ra về, cặp đôi còn xin chụp chung với vợ chồng bà Tư một tấm hình để làm kỷ niệm. Tôi có nói vui: “Chụp hình đăng Facebook phải không” thì anh bạn đáp lại: “Không chị ạ, tụi em ngại lắm, chụp để coi thôi tại vì nhìn bà rất giống bà ngoại em lúc còn sống”.
Nhờ mạng xã hội, nhiều người đã tìm đến giúp đỡ và mua chuối, khoai ủng hộ vợ chồng bà Tư Ảnh: Lưu Trân
Tự dưng tôi thấy trong mình trỗi dậy một sự biết ơn… mạng xã hội. Bởi chính nhờ mạng xã hội, nhiều tấm lòng hảo tâm đã tìm đến, đã giúp cho những chiều bán chuối chiên của bà Tư có nhiều tiếng cười hơn. Để tuổi già của vợ chồng bà không chỉ co ro trong căn nhà nhỏ, những ngày mưa gió đã có thêm người đến bầu bạn cùng bà. Vậy mới nói, khi lòng tốt được lan tỏa thì cuộc sống cũng tươi đẹp hơn rất nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.