Cụ bà đi khắp Sài Gòn: 'Bin và Mèo ơi, có chết ngoại cũng không bỏ con'

Hoài Nhân
Hoài Nhân
25/06/2019 13:39 GMT+7

Những tiếng nói bập bẹ đầu đời của Bin và Mèo là "ngoại". Những giấc mơ của Bin và Mèo, chắc cũng là hình ảnh của ngoại, với xấp vé số trên tay nuôi 2 đứa lớn lên từng ngày...

“Trừ khi tôi chết đi, chứ ngày nào còn sống, tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng”, bà Khanh nói, giọng chắc nịch. Trong chiếc xe đẩy cạnh bên, Bin và Mèo nằm ngủ ngon lành. Chắc chúng chẳng nghe ngoại nói gì đâu, mà giả có nghe, chúng cũng chưa đủ lớn để hiểu những bất hạnh trong gia đình của mình. Đứa mới lên 3, đứa chưa tròn 5 tuổi.
Bin giật mình, không biết đã nằm mơ thấy gì, làm rung chiếc xe khiến em Mèo cũng cựa mình theo. Trong những giấc mơ của chúng, chắc nhiều nhất là hình ảnh của bà ngoại, với xấp vé số trên tay, nuôi 2 đứa từng ngày khôn lớn.

Trên xe nôi cùng ngoại mưu sinh

Dưới cái nắng Sài Gòn gắt gỏng, chiếc xe bà Lâm Lệ Khanh (69 tuổi, ngụ Q.6) đẩy Bin (Trương Gia Bảo) và Mèo (Trương Thị Mỹ Duyên) dừng ở gầm cầu Hậu Giang (Q.6). Trưa nay người ta cho bà tô cháu, bà sớt ra làm hai, đút cho 2 đứa trẻ ăn. Căng da bụng, chùng da mắt, hai đứa leo tót lên xe, nằm ngủ ngon lành.
“Con nhà người ta có nhà, có quạt, còn cháu bà cần gì. Cây cầu che nắng, gió sông hiu hiu mát mẻ vầy rồi, ngủ thôi”, bà cười, vỗ về hai đứa.
“Trọ ở đằng kia kìa, nhưng mà về nghỉ lại mắc công mất thời gian, bán không hết thì tiêu. Thôi cho tụi nó ngủ đỡ ở đây, mình cũng ngồi tí rồi lại đẩy chúng đi. Có chiếc xe vậy mà đỡ lắm, 2 đứa không phải ngủ bờ ngủ bụi. Hồi mấy tháng trước, người ta mua vé số trúng, rồi cho mấy bà cháu chiếc xe này nè”, bà kể, giọng vui mừng. Trên "ngôi nhà" của 2 đứa trẻ, lỉnh kỉnh những khăn giấy, tã, áo mưa... sẵn sàng cho cuộc sống ngoài đường.
Đều đặn mỗi ngày, bà thức dậy từ tờ mờ sớm, dọn sơ nhà cửa. Đợi Bin và Mèo thức dậy, bà tắm rửa, mặc tã rồi cho 2 đứa lên xe, đẩy đi bán vé số dọc đường Hậu Giang. Mệt thì nghỉ tạm dưới chân cầu. Hai đứa trẻ than đói thì bà mua cơm cho chúng ăn, còn bà, vẫn thường khi “quên” bữa. Người ta thấy thương, có hôm cho cơm, cho bánh, cho gì mấy bà cháu ăn nấy, đỡ được phần nào.
 
“Từ sáng đến chiều là được 150 tờ, lời 150 nghìn. Ấy là cao nhất, chứ có hôm mưa gió, ế, mấy bà cháu lo mà chạy. Có hôm thì bị giật, có hôm lại bị lừa… Cô kia ghé xởi lởi đủ điều, bảo “con lấy 30 tờ nha bà, trời ơi, con ở kế nhà bà nè chứ đâu, biết bà mà, chiều về con trả”. Nghĩ mình vầy ai mà lừa lọc làm chi, ấy vậy mà chiều đó đợi hoài đợi hoài vẫn không thấy ai. Bữa sau, mấy bà cháu đói meo, cũng không có tiền trả góp phải năn nỉ người ta, vì phải vay đóng tiền nhà trọ”, bà thở dài.
Những người bán rong, ve chai quanh chân cầu, ai cũng biết mấy bà cháu. Người ta thương Bin với Mèo lắm, vì chúng lanh lợi, xinh xắn, chẳng biết giống ba hay giống mẹ mà nước da trắng ngần, mắt đen lay láy. Mà hễ người ta hỏi ba 2 đứa đâu, cả 2 đứa đều đồng thanh: “Ba con chết rồi…”. Người ta hỏi mẹ đâu, chúng cũng cao giọng: “Mẹ con chết rồi…”.
Tự 2 đứa trẻ trả lời như thế, chứ bà Khanh có dạy bao giờ. Bà chẳng kịp rầy hai đứa nhỏ, mà bà cũng chẳng nỡ rầy. Bà chỉ ghé tai, răn nhẹ: “Bậy nào, ba mẹ Bin với Mèo vẫn còn mà, lâu lâu vẫn thăm hai đứa đấy…”. Bà chỉ nói được vậy, rồi ngập ngừng, chẳng biết giải thích gì thêm. 

Tiếng bập bẹ đầu tiên của Bin và Mèo là "ngoại"

Bin chào đời, một tay bà lo lắng từng miếng ăn, giấc ngủ. Ba mẹ Bin trẻ người non dạ, lại chưa có công ăn việc làm ổn định. Khó khăn chồng chất khó khăn, khi tới lượt mang thai Mèo, mẹ buộc phải được sinh mổ, bởi bác sĩ nói rằng, ca sinh khó có thể ảnh hưởng tính mạng người mẹ.
“Tôi bấm bụng bán căn nhà được hơn 400 triệu, dọn ra trọ ở, lấy tiền lo cho mấy mẹ con. Số tiền chẳng mấy chốc cạn kiệt. Rồi xảy ra chuyện này chuyện nọ... Ba nó bỏ đi. Ngót nghét cũng đã 2 năm nay… Còn mẹ tụi nhỏ, tôi khuyên mãi mới chịu đi làm. Tôi xin một quán hủ tíu chay cho nó vào phụ bán, làm đến tận khuya mới về, kiếm đâu trăm mấy một ngày. Chịu làm còn hơn không...”, bà lau nước mắt, bộc bạch gian truân đời mình.
Bà cũng còn 1 con trai và 1 con gái, nhưng gái lớn theo chồng đi xa, con trai làm thuê cũng chỉ ba cọc ba đồng. Tất cả gia tài của bà giờ đây, chỉ là Bin và Mèo, là những tiếng “bà ngoại” mỗi ngày bà được nghe.
“Tụi nhỏ lanh chanh, lăng xăng vậy á, chứ nghe lời ngoại lắm, nói gì cũng răm rắp dạ thưa. Có chết tôi cũng không bỏ chúng đâu”, bà tâm sự.
Có lúc, những khó nghèo dồn đẩy, bà thoáng nghĩ mình chẳng còn đủ sức, hay là buông xuôi. Thế rồi những tiếng “ngoại, ngoại” lại văng vẳng bên tai. Thương làm sao, khi những tiếng nói bập bẹ đầu đời của Bin và Mèo là “ngoại”, chứ không phải là “ba”, là “mẹ”. Thế rồi trong những lần lau mồ hôi nhễ nhại trên đường đi bán, bà nhìn vào xe, thấy hai đứa thiu thiu ngủ, tay chân bé nhỏ, cái môi chúm chím, cái má phúng phính, bà càng thương quá là thương!
Và bà lại gắng gồng những chuyến mưu sinh. Chiếc xe đẩy lại lọc cọc chở tuổi thơ của Bin và Mèo theo chân bà ngoại, để lại đằng sau một câu hỏi còn bỏ ngỏ: Có con đường tươi sáng nào dẫn hai đứa trẻ đến tương lai?
Ba bà cháu mưu sinh rong ruổi khắp phố sá Sài Gòn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.