Cụ bà nghèo, vay nóng để chữa bệnh

07/09/2016 08:36 GMT+7

Dù đã được mổ thay khớp háng nhưng cụ Phạm Thị Hiền (73 tuổi, tạm trú tại căn nhà người chị ruột trong con hẻm nhỏ đường Lê Hồng Phong, P.10, Q.10, TP.HCM) vẫn chưa thể tự đứng lên được.

Cố nén cơn đau, cụ Hiền kể về vụ tai nạn bất ngờ cách nay không lâu khiến cụ và con cái đã nghèo nay phải lâm cảnh nợ nần, bệnh tật.
Hôm đó như mọi ngày, sau khi kết thúc việc bán thuốc đông y ở Q.Bình Thạnh, cụ trở về nhà trên xe buýt. Gần tới trạm dừng, một người chạy xe máy ẩu băng ngang đường, tài xế xe buýt phải thắng gấp khiến nhiều người trên xe bị té nhào. “Riêng tui do tay chân yếu lại ngồi gần cửa nên té lọt vào chỗ lên xuống xe, chân phải không cử động được”, cụ Hiền kể.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên.Số tài khoản: 102010000116341 - Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 tại TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ cụ Phạm Thị Hiền; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến cụ Hiền trong thời gian sớm nhất.
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố chẩn đoán cụ Hiền bị gãy khớp háng bên phải, chỉ định mổ thay khớp háng với chi phí gần 70 triệu đồng.
“Tui và vợ chồng cháu Hiếu từ Bến Tre lên đây với hai bàn tay trắng, chỉ đắp đổi qua ngày, lấy đâu ra khoản tiền nhiều như thế để mổ, trong khi lại không có bảo hiểm y tế”, cụ Hiền rưng rưng.
Thương mẹ, vợ chồng anh Phạm Văn Hiếu đã chạy vạy ngược xuôi, từ vay mượn người quen đến vay nóng lãi suất cao đủ số tiền mổ.
Hiện anh Hiếu đang vá xe ở lề đường, còn vợ thì bán thức ăn bằng xe đẩy. Anh Hiếu nói: “Nếu mẹ không gặp tai nạn thì gia đình tôi cũng lo được ngày hai bữa và trả tiền thuê phòng trọ, tiền ăn học cho con gái năm nay vào lớp 12. Nhưng nay đã quá cùng quẫn, khoản nợ vay nóng bị thúc ép từng ngày. Tai họa ập xuống bất ngờ, khiến cả nhà chới với, không biết những ngày tới cả nhà sẽ sống ra sao…”.
Còn cụ Hiền thì mếu máo nói: “Biết thế này, tôi đã nằm lì ở nhà chịu đau, chớ mổ xẻ làm gì giờ mắc nợ, khổ con, khổ cháu. Chúng đã quá khổ, giờ lại càng khổ hơn…”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.