Là bị động kiểu đợi dân có người lâm cảnh cán đinh thủng lốp, té xe nguy hiểm vì “đinh tặc”, rồi báo chí cảnh báo quyết liệt thì mới có động thái phản ứng của chính quyền và cơ quan quản lý.
Là bị động kiểu chẳng biết lúc nào kẻ xấu ra tay, còn chính quyền và người dân được ngày nào yên thì biết ngày nấy. Là bị động kiểu phải chạy theo ứng phó bọn “đinh tặc” tha hồ rải đinh cả ký trên đường còn công nhân vệ sinh thì phải thêm việc hút đinh, thêm phần vất vả. Nhìn cảnh công nhân đẩy chiếc xe thô sơ có gắn thanh nam châm để hút đinh trên đường mà ngán ngẩm với câu hỏi chẳng lẽ thành phố này cứ phải chọn cách dã chiến như thế để đối phó “đinh tặc”?
Câu trả lời của chính quyền địa phương nghe quen tai từ năm này qua tháng nọ “sẽ cho người kiểm tra, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm” dường như là lối thoát trách nhiệm duy nhất.
“Sẽ cho người kiểm tra” thì cần bao nhiêu người cho đủ? Cách nói “nếu phát hiện” thì coi như đã chấp nhận sẵn trong lòng cái kết quả “khó mà phát hiện”. Còn “xử lý nghiêm” thì chỉ là một câu nói kiểu “yểm bùa”, chứ “xử lý nghiêm” gì nổi khi mà các điều luật liên quan không được điều chỉnh kịp thời để có cơ sở pháp lý mà trừng trị thích đáng những kẻ bất lương. Các chuyên gia luật chỉ ra rằng rất khó để xử lý hình sự “đinh tặc” với những điều luật hiện hành.
Tại sao chúng ta bị động trong những chuyện nhỏ như thế? Hãy hỏi thẳng thắn nhau câu hỏi ấy để tìm ra giải pháp hiệu quả, chứ không thể tiếp tục câu chuyện các bên liên quan người thì “sẽ cho người kiểm tra”, người thì vất vả đẩy xe hút đinh mỗi ngày, người thì chấp nhận cảnh thủng lốp té xe như một cạm bẫy rình rập trên đường.
Ở thời điểm này, chúng ta có quá thiếu thốn điều kiện để áp dụng giải pháp trang bị camera an ninh trên những cung đường phát sinh phức tạp về an ninh không, trong đó có vấn nạn “đinh tặc”? Bộ máy nhân sự hiện nay ở cấp xã, phường rất mỏng, lấy đâu ra người mà canh giữ ngày đêm bọn “đinh tặc”? Nếu không có hỗ trợ từ giải pháp camera an ninh thì chẳng có cách nào khác, đành cố hứa “sẽ cho người kiểm tra” mỗi khi “đinh tặc” tái xuất.
Đã đến lúc ban hành một số quy định ở cấp địa phương để tạo khuôn khổ pháp lý cho việc trừng phạt thích đáng “đinh tặc”. Không nhất thiết cứ nói đến nghiêm trị là phải nói đến chuyện hình sự hóa hay phạt tù kẻ vi phạm. Xã hội chẳng tốt đẹp hơn nếu có quá nhiều tù nhân. Những cách như phạt lao động công ích thật nghiêm, vi phạm nhiều lần thì bị phạt nhiều lần hoàn toàn có thể khiến kẻ vi phạm phải biết hối cải trước khi đối mặt án tù.
Và để hút dọn đinh trên đường thì nên chăng thay thế những chiếc xe chế tạo thô sơ mà công nhân đang dùng bằng phương tiện khác trông khá hơn.
Bình luận (0)