Cụ cử Can lập đạo kinh doanh: Kế trăm năm không gì bằng trồng người

14/11/2022 07:45 GMT+7

Nằm đầu phố Hàng Ngang, Hà Nội , tại ngôi nhà số 4 - hai bên với những kệ chứa lụa, the, lãnh là nơi buôn bán vải của cụ bà Lê Thị Lễ (vợ cụ Lương Văn Can) cùng hai người con gái; trên gác phòng sau cửa hàng là nơi họp bàn quốc sự của cụ Lương và các chí sĩ.

Mở trường “duy tân” giáo dục

Theo nghiên cứu Đông Kinh nghĩa thục của Nguyễn Hiến Lê, trong cuộc gặp giữa cụ Hoàng Tăng Bí và Lương Văn Can tại đây, khi bàn về tình hình nước nhà và kế hoạch cứu nước, cụ Lương có nói: “Thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân” (Kế mười năm không gì bằng trồng cây. Kế trăm năm không gì bằng đào tạo người). Ý kiến ấy được cụ Hoàng Tăng Bí đồng tình và bày tỏ việc tìm thanh niên đưa sang Nhật đào tạo.

Thực hành ý hướng trồng người, Đông Kinh nghĩa thục ra đời với mục đích “Khai trí cho dân, phương tiện được hoạch định: mở những lớp dạy học không lấy tiền (để đúng với cái tên là nghĩa thục) và tổ chức những cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng cùng cổ động trong dân chúng”. Lối học chú trọng vào thường thức và thực nghiệp, bỏ lối tầm chương trích cú trước đây.

Đăng cổ tùng báo số 812, ngày 8.8.1907 đề cập đến Đông Kinh nghĩa thục

TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA

Đông Kinh nghĩa thục được lập, do Lương Văn Can làm Thục trưởng (Hiệu trưởng), Nguyễn Quyền làm Giám học; nhờ uy tín cụ Lương, trường thu hút nhiều tên tuổi tham gia: Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Văn Vĩnh… Trụ sở trường là nhà số 4 Hàng Ngang, mặt bằng nơi cái gác tẩu mã (gác lớn) chứa được vài trăm học trò. Tên gọi của trường là do trường được lập nên nơi đất Hà Nội, từng là Đông Đô thời Hồ.

Các chức danh, ban bệ được xây dựng một cách khoa học để việc giáo dục được tiến hành quy củ với bốn ban: Ban giáo dục, Ban tài chính, Ban cổ động, Ban trước tác. Theo Việt Nam thời Pháp đô hộ, chương trình giảng dạy của trường “gồm cả Việt văn, Hán văn và Pháp văn, và từ bỏ lối học từ chương để nhấn mạnh lên thường thức và thực nghiệp. Để truyền bá tư tưởng mới, trường cũng soạn sách và những bài ca ái quốc có tính cách khai trí”.

Nguyễn Hiến Lê trong nghiên cứu Đông Kinh nghĩa thục ghi: “Hội viên tự ý giúp bao nhiêu cũng được và quyên thêm trong những chỗ quen thuộc hảo tâm”. Đối tượng học không giới hạn độ tuổi, giới tính. Ban đầu trường có 8 lớp cả ban ngày và buổi tối, sau học sinh tăng lên 400 - 500 người, cho thấy sức hút của trường đối với quốc dân. Đăng cổ tùng báo số 812, ngày 8.8.1907 có đoạn: “Thăm những trường học như trường Trí tri, trường Nghĩa thục, buổi bốn năm trăm đầu trẻ, ham học hành, trông cứ mát cả gan cả ruột, rõ mỗi cái đầu con ấy cứ như một cánh đồng đương cấy vụ sau, mà ghế thì không có đủ mà ngồi”.

Khác lối trọng nam khinh nữ cổ truyền, trường có cả lớp cho nữ. Đăng cổ tùng báo số 822, ngày 17.10.1907 thông tin cụ cử Can định tổ chức riêng trường nữ học. Còn ở thời điểm đó, đã có lớp riêng cho nữ “có hai cô giáo dạy, nghiêm trang lắm, vừa học chữ Nho, chữ Quốc ngữ, tính toán, các phép gia huấn…”. Tiếng lành đồn xa, chị em tỉnh khác thông chữ Pháp, chữ Hán và nữ công cũng tình nguyện tìm đến giúp.

Thục trưởng Lương Văn Can mặc áo trắng (ở giữa) cùng các giáo viên Trường Đông Kinh nghĩa thục

TL

Thủ lĩnh duy tân Khổng giáo

Để dạy học trò dễ hiểu, dễ nhớ và theo lối tân tiến, giáo viên của trường soạn ra sách mới với cái đích chung như học giả Nguyễn Hiến Lê cho biết: “Nội dung bài nào cũng hô hào lòng ái quốc, chí tự cường và tinh thần duy tân”. Có thể kể tên một số loại sách tiến bộ dạy học trò: Văn minh tân học sách, Quốc dân độc bản, Nam quốc địa dư… Các sách này chống những hủ lậu, đề cao sự tân tiến, tính sáng tạo, lòng yêu nước. Emmanuel Poisson trong tác phẩm Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam, một bộ máy hành chính trước thử thách (1820 - 1918) nhận xét mô hình của trường là sự cải cách giáo dục toàn diện tiến bộ, mang tính phổ cập.

Riêng cụ cử Can cũng có những sách soạn riêng cho học trò trước và sau 1907: Ấu học tùng đàm, Đại Việt địa dư… Đại Việt địa dư làm dạng ca lục bát về hình thể đất nước, đặc trưng các vùng miền, tỉnh thành. Nhờ đó, học trò dễ thuộc, dễ nhớ địa lý nước nhà. Chẳng hạn đôi câu “Ngọc Sơn, Kiếm Thủy cũng liền/Vua Lê chỉ kiếm trước đền Nam Hương” chỉ Hà Nội. Ủng hộ cho việc đọc sách Quốc ngữ, cụ Lương Văn Can còn là thành viên của Hội Dịch sách Bắc kỳ. Hội này được lập ra “để dịch ra tiếng bản quốc các sách hay của Đại Pháp và của nước Tầu”, theo lời công bố về lập hội trên Đăng cổ tùng báo số 811, ngày 1.8.1907.

Đặt sự hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục trong bối cảnh giáo dục lạc hậu, lệ thuộc bấy giờ, cùng hoàn cảnh nước nhà bị đô hộ, mới thấy được sự dũng cảm của những nhà yêu nước như cụ Lương Văn Can. Trong nghiên cứu Lịch sử tám mươi năm chống Pháp, nhà sử học Trần Huy Liệu nhận định ban đầu thực dân Pháp nghĩ đây chỉ là một ngôi trường mang tính cải lương, nhưng rồi khi ảnh hưởng của Đông Kinh nghĩa thục lan rộng, chúng lập tức đàn áp. Trường chỉ tồn tại từ tháng 3 đến tháng 11 thì bị đóng cửa. Dẫu nghiệp cải canh giáo dục bị ngăn trở, nhưng tác phẩm Ba thế hệ tri thức người Việt (1862 - 1954) nhận định cụ cử Can chính là “thủ lĩnh phong trào duy tân Khổng giáo (Đông Kinh nghĩa thục)”. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.