Trong đợt “tổng tấn công” tội phạm lần này, Công an TP.HCM triển khai nhiều kế hoạch với quy mô chưa từng có như: tăng gấp đôi cảnh sát hình sự đặc nhiệm, lắp đặt thêm camera mở rộng phạm vi “phủ sóng” của mắt thần, tăng cường phương tiện kỹ thuật...
Công an TP.HCM trong một đợt ra quân trấn áp tội phạm - Ảnh: Nguyên Bảo |
Lực lượng CSHSĐN sẽ rất “hùng hậu”
Theo một lãnh đạo của Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an TP.HCM, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP.HCM (CATP), PC45 đã huy động 3 đội trinh sát của phòng, gồm: đội phòng chống xã hội đen, đội phòng chống tệ nạn, đội phòng chống trộm cắp tài sản xuống đường phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (CSHSĐN) tuần tra kiểm soát (TTKS) trấn áp tội phạm nói chung, trong đó tập trung vào tội phạm trộm, cướp, cướp giật tài sản. Đồng thời, trinh sát của PC45 còn phối hợp với lực lượng công khai như: CSCĐ, CSGT, thanh niên xung phong... tăng cường tuần tra 24/24 tại các khu vực, tuyến đường trọng điểm xảy ra trộm, cướp giật tài sản; kiểm tra hành chính những trường hợp nghi vấn sau 12 giờ đêm.
Ngoài tăng cường lực lượng, PC45 vừa được trang bị thêm 10 phương tiện phục vụ cho việc mật phục TTKS truy quét tội phạm cướp giật tài sản. “Đã có chủ trương tăng cường lực lượng CSHSĐN và phương tiện cho Đội CSHSĐN (PC45). Nhưng đến nay vẫn chưa biết lấy quân từ đâu vì ngày 4.3, CATP mới họp về vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều khả năng CATP có thể bổ sung, chọn lựa lực lượng từ các phòng ban, quận huyện. Bởi vì lực lượng bổ sung này đã qua trường lớp huấn luyện cơ bản của ngành, chỉ cần trao đổi thêm một ít nghiệp vụ là xuống đường TTKS ngay”, vị này cho biết thêm.
Ở khu trung tâm TP, Q.1 là một trong những địa bàn trọng điểm mà tội phạm xâm hại sở hữu tài sản trên đường phố và nơi công cộng thường hay xuất hiện nên Công an Q.1 cũng được tăng cường lực lượng trấn áp loại tội phạm này. Theo thượng tá Nguyễn Nhật Thành - Phó trưởng công an Q.1, Công an quận mới được tăng cường thêm lực lượng phường đội, thanh niên xung phong, trật tự xây dựng của Q.1 và CSCĐ, Cảnh sát 113, CSGT, CSHSĐN của CATP phối hợp TTKS vừa công khai, vừa bí mật. Để trấn áp hiệu quả, theo thượng tá Thành, cần phải bổ sung thêm lực lượng để tăng cường TTKS và lắp đặt thêm camera. Ngoài hai phương án cần thiết trên, để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn quận, trong thời gian qua, Công an Q.1 chú trọng đến công tác lập danh sách các nghi phạm, băng nhóm xuất hiện ở địa bàn quận cho dù chưa gây án hoặc đã gây án nhưng trốn thoát để lên kế hoạch ứng phó. Bên cạnh đó còn có công tác phối hợp với các tổ xe ôm tự quản, người dân tại khu vực thường xảy ra trộm, cướp giật tài sản.
Người dân bắt giữ tên trộm cắp giao cho công an
|
Tăng cường “mắt thần”
Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều quận, huyện vận động người dân, doanh nghiệp ủng hộ kinh phí lắp đặt camera để phòng chống tội phạm mang lại hiệu quả cao. Sau đợt này, mắt thần được gắn ở nhiều tuyến đường, khu phố trên địa bàn đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng chống tội phạm. Theo đại úy Phạm Anh Tuấn - Phó công an P.Nguyễn Thái Bình (Q.1), đến nay phường đã lắp được 14 camera an ninh tại hẻm 165 Nguyễn Thái Bình thuộc KP.5 và hẻm 100 Nguyễn Công Trứ. Hai hẻm này trước kia tệ nạn mua bán trái phép chất ma túy, đá gà thường xuyên diễn ra. Từ khi công an triệt phá và gắn camera theo dõi thì tình hình an ninh trật tự đi vào ổn định. Thời gian tới, Công an phường sẽ tiến hành khảo sát, đề xuất lắp thêm nhiều camera.
Camera được lắp đặt đều khắp là địa bàn P.Thảo Điền (Q.2). Trung tá Nguyễn Văn Dạn, Trưởng công an P.Thảo Điền, xác nhận: “Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn phường có tổng cộng 107 camera lắp đặt trên các tuyến đường, truyền hình ảnh trực tiếp về Công an phường theo dõi 24/24 giờ. Ngoài ra đã có 36 khu nhà trọ gắn camera và 45 camera tại các cao ốc, công trình và biệt thự ven sông. Tất cả kinh phí lắp đặt camera đều do người dân đóng góp. Từ hình ảnh camera an ninh, Công an phường đã phát hiện và truy xét nhiều nghi phạm cướp giật, trộm cắp xuất hiện trên địa bàn”.
Đặc biệt, P.12 (Q.Gò Vấp) được đánh giá là phường tiên phong triển khai mô hình trên. Trung tá Phạm Thành Hưng, Trưởng công an P.12, Q.Gò Vấp, chia sẻ: “430 camera với kinh phí 1,5 tỉ đồng lắp đặt khắp 16 khu phố và các tuyến đường trên địa bàn đều vận động từ người dân, doanh nghiệp. Mới đây, từ hình ảnh camera, Công an phường đã rà soát và bắt được một nghi phạm dùng dao khống chế chủ quán cà phê tại KP.14 cướp tài sản”. Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc CATP, cũng cho biết trên cơ sở mạng lưới camera giao thông hiện có, CATP đang phối hợp với Sở TT-TT nghiên cứu, lắp đặt hoàn thiện hệ thống camera an ninh giám sát toàn địa bàn TP.
Lập câu lạc bộ phòng chống tội phạm
Tại hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội do UBND TP.HCM tổ chức vào ngày 1.3 vừa qua, trung tướng Lê Đông Phong khẳng định CATP đang củng cố hoạt động, tăng cường biên chế các đội, tổ CSHSĐN, kỹ thuật hình sự... Đặc biệt, thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm phòng chống tội phạm. Cũng về vấn đề này, thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc CATP, cho hay: “Đối với mô hình hiệp sĩ đường phố thì phạm vi hoạt động rất là rộng, đeo bám đối tượng gây án qua nhiều địa bàn quận, huyện, CATP sẽ nghiên cứu thêm chỗ này, đề xuất hình thức công nhận, thẩm tra tư cách thành viên, hướng dẫn họ về nghiệp vụ”. Ông Minh cho rằng cơ chế đãi ngộ “hiệp sĩ đường phố” là rất quan trọng, vì “có bột mới gột nên hồ”.
Đà Nẵng lắp thêm 4.153 camera giám sát
Ngày 3.3, Thành ủy Đà Nẵng thống nhất chủ trương lắp camera giám sát để đảm bảo an ninh, giao thông, trật tự địa bàn, nâng cao năng lực quản lý TP bằng camera. Hiện TP có 5 hệ thống với 71 camera công cộng của ngành công an, GTVT, 4.745 camera của các tổ chức, cá nhân, trong đó gần 70% do cơ quan, doanh nghiệp, khách sạn, hộ kinh doanh đầu tư. Công an TP.Đà Nẵng tính toán, TP cần thêm 4.153 camera giám sát trên các tuyến, chốt trọng điểm, phức tạp... Theo Thành ủy Đà Nẵng, dự kiến, chậm nhất cuối năm 2016 hệ thống camera này sẽ hoàn thành để bắt đầu áp dụng rộng khắp từ đầu 2017.
Nguyễn Tú
|
“Hiệp sĩ đường phố” bắt cướp giật dây chuyền
Trưa 3.3, nhóm “hiệp sĩ đường phố” gồm Nguyễn Trọng Nghĩa, Trần Văn Hoàng, Lê Ngọc Phúc, Nguyễn Văn Dương, Võ Thanh Tuấn, Đỗ Công Tường (cùng ngụ TP.HCM) và tổ hình sự đặc nhiệm Công an Q.Tân Phú tuần tra phòng chống cướp giật trên đường Tân Hương (Q.Tân Phú) thì phát hiện 2 thanh niên đi xe SH màu trắng có hành vi áp sát, giật sợi dây chuyền vàng của một thanh niên đi xe máy lưu thông cùng chiều. Các hiệp sĩ và tổ hình sự đặc nhiệm tổ chức truy đuổi, đến đường Gò Dầu (P.Tân Quý, Q.Tân Phú) thì bắt được tên điều khiển xe SH, đưa về Công an P.Tân Quý tiếp tục xử lý; tên ngồi sau chạy vào hẻm lẩn trốn. Tại Công an P.Tân Quý, tên cướp bị bắt khai tên Lê Minh Toàn (27 tuổi, ngụ H.Hóc Môn; từng có 1 tiền án về tội cướp giật).
Tân Phú
|
Kinh nghiệm ở một số nước
Tại Pháp, trừ thủ đô Paris thuộc về Cơ quan An ninh công cộng trung ương (DCSP), thì trách nhiệm đảm bảo trật tự, an toàn tại mọi khu vực công cộng trên toàn quốc trực thuộc Cảnh sát quốc gia (PN) và do Bộ Nội vụ quản lý. Đây là cơ quan có quy mô lớn nhất của PN, chia thành nhiều đơn vị hoạt động tại 617 khu vực dân cư. Các đơn vị của DCSP có trách nhiệm tiếp nhận các cuộc gọi từ số khẩn cấp (17) để xử lý nhanh khi được báo về mọi sự vụ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự của khu vực do các đơn vị quản lý: bạo động, cướp phá... Các đơn vị của cơ quan này phân chia nhân viên cảnh sát tuần tra liên tục tại các khu công cộng, khu phố.
Để ứng phó với tình trạng tội phạm đường phố, nhiều khu vực ở Mỹ hiện có các đội trấn áp tội phạm. Nhiệm vụ của các đơn vị này là phân tích thống kê tội phạm theo hình thức, thời điểm trong ngày và khu vực để tạo nên những bản đồ với các “điểm nóng”, nhằm dễ dàng kiểm tra và nhận diện những nghi can tiềm năng để can thiệp.
Lan Chi
|
Bình luận (0)