ĐỘC BẢN VÀ ĐỘC ĐÁO
UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn gửi Bộ VH-TT-DL đề nghị xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với các hiện vật thuộc bộ sưu tập trang sức vàng và hiện vật mã não hình động vật ở khu mộ táng Lai Nghi (thuộc khối phố 7B, P.Điện Nam Đông, TX.Điện Bàn).
Một bảo vật, hiện vật khẳng định được giá trị là khi tìm được trong bối cảnh khảo cổ học chắc chắn.
GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung
Bộ sưu tập trang sức vàng ở khu mộ táng Lai Nghi có 108 đơn vị hiện vật, gồm 4 khuyên tai và 104 hạt chuỗi còn nguyên vẹn. Mã não hình động vật (hạt chuỗi mã não hình con chim nước và hình con hổ) cũng có 2 hiện vật nguyên vẹn. Các hiện vật có niên đại từ thế kỷ 3 đến giữa thế kỷ 1 trước Công nguyên, được phát hiện từ đợt khai quật khảo cổ ở khu mộ táng Lai Nghi năm 2002 - 2004.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, bộ sưu tập trang sức vàng và hạt chuỗi mã não hình động vật không chỉ là tư liệu hiện vật minh chứng đời sống văn hóa tinh thần rất đa dạng, phong phú của cư dân cổ Sa Huỳnh mà còn khẳng định đây là hiện vật gốc, độc bản, độc đáo về tạo hình, điển hình. Hiện vật cũng có niên đại xác thực, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng qua khai quật khảo cổ học, có giá trị lịch sử, văn hóa.
Các chuyên gia nhận định khu mộ táng Lai Nghi là địa điểm khảo cổ có đồ tùy táng phong phú và đa dạng. Tỷ lệ hiện vật chôn theo mỗi chum của Lai Nghi cao nhất trong số những địa điểm đã phát hiện và khai quật thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Đặc biệt, 4 khuyên tai vàng ở Lai Nghi chưa bao giờ tìm được trong văn hóa Sa Huỳnh ở VN. Bộ trang sức này là hiện vật gốc độc bản với di chỉ có số lượng hạt chuỗi bằng vàng phát hiện được nhiều nhất trong các di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã được phát hiện từ trước đến nay ở VN.
DI SẢN KHẢO CỔ KHÔNG NÊN ĐÓNG TRONG KHO
Ông Trần Văn Đức, Phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Quảng Nam, cho biết vì hiểu được tầm quan trọng của các hiện vật trong ngôi mộ táng Lai Nghi, nên ngay sau khi tiếp nhận từ đoàn khai quật, đơn vị đã thực hiện các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo quản, an ninh với nhiều lớp bảo vệ.
"Việc bộ sưu tập trang sức văn hóa Sa Huỳnh được khai quật từ năm 2002 - 2004, nhưng giờ mới đề nghị công nhận bảo vật quốc gia vì thời điểm này mới là bước đi hợp lý, không sớm cũng không muộn trong các điều kiện thực tế hiện nay", ông Trần Văn Đức nói.
Theo ông Đức, các hiện vật được phát hiện trong khu mộ táng Lai Nghi đáp ứng các tiêu chí được công nhận bảo vật quốc gia. "Hạt chuỗi mã não hình động vật ở khu mộ táng Lai Nghi là tư liệu lịch sử quý hiếm, không chỉ là sản phẩm phản ánh quá trình giao lưu văn hóa mà còn cho thấy cư dân cổ Sa Huỳnh là những người buôn bán lão luyện, những người tiêu dùng sành sỏi, giàu có bậc nhất trong mạng lưới trao đổi, buôn bán trên biển Đông", ông Đức nhận định.
Hiện Bảo tàng Quảng Nam đang lưu giữ một bảo vật quốc gia là đầu tượng Shiva (được công nhận năm 2015). Theo ông Đức, nếu bộ hiện vật phát hiện trong khu mộ táng Lai Nghi được công nhận bảo vật quốc gia nữa thì Bảo tàng Quảng Nam sẽ là một trong những bảo tàng ở VN sở hữu các bảo vật quốc gia hết sức đặc biệt.
Trao đổi với PV Thanh Niên, GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội), người trực tiếp tham gia khai quật khu mộ táng Lai Nghi, đánh giá khu vực phát hiện các hiện vật văn hóa Sa Huỳnh có vị trí hết sức đặc biệt khi nằm cửa sông - ven biển. Tính chất khu mộ táng này có thể nói là nổi bật nhất trong tất cả các khu mộ táng văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện từ trước đến nay ở Quảng Nam nói riêng và các tỉnh thành miền Trung nói chung.
GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung khẳng định việc phát hiện nhiều trang sức chôn theo người chết tại khu mộ táng này thể hiện vị thế, địa vị, thân thế xã hội, cũng như việc phân tầng về mặt của cải... "Một bảo vật, hiện vật khẳng định được giá trị là khi tìm được trong bối cảnh khảo cổ học chắc chắn. Hạt chuỗi mã não hình con chim nước, hình con hổ được phát hiện trong khu mộ táng Lai Nghi phải nói là rất hiếm ở Đông Nam Á. Điều này cũng đã khẳng định được vị thế, địa vị của người được chôn cất trong ngôi mộ đó và sự giàu có như thế nào", bà Dung lý giải.
Các hiện vật được tìm thấy cũng hé lộ cư dân sống ở khu vực Lai Nghi thời bấy giờ đã có mối quan hệ giao lưu với thế giới bên ngoài, đặc biệt là với Ấn Độ. Ngoài ra, khu vực Lai Nghi là điểm nối, điểm trung chuyển giữa văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa.
"Những hiện vật mà UBND tỉnh Quảng Nam đang đề nghị công nhận bảo vật quốc gia phải nói là độc bản, mang nhiều giá trị về giao thương, giao lưu văn hóa. Tôi nghĩ, trong tương lai, chỉ riêng ở khu vực Lai Nghi cũng có thể có thêm một vài bộ sưu tầm hiện vật nữa sẽ được công nhận bảo vật quốc gia", bà Dung khẳng định.
Cũng theo GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung, đã là di sản khảo cổ học thì không nên đóng trong kho hoặc trưng bày một cách rất "tĩnh" ở bảo tàng mà phải tìm mọi cách đưa ra trưng bày, truyền bá để người dân Quảng Nam hiểu rõ được bề dày lịch sử, vị thế của đất Quảng cũng như lưu vực sông Thu Bồn trong việc phát triển về mặt lịch sử và văn hóa.
"Di sản phải đưa vào sử dụng, mang lại lợi ích thì mới xứng đáng là di sản. Nếu bộ sưu tập hiện vật trong khu mộ táng Lai Nghi được công nhận bảo vật quốc gia thì sự chú ý của công chúng sẽ gia tăng", TS Dung chia sẻ.
Bình luận (0)