(iHay) Cư dân mạng là ai? Tôi thường tự hỏi câu ấy mỗi khi đọc một bài viết bất kỳ bắt đầu bằng cụm từ 'cư dân mạng'.
>> Biên tập viên bị hiểu lầm 'thắt cà vạt ngoài cổ áo' khi dẫn thời sự VTV1
Trong lĩnh vực truyền thông hiện nay, dường như 'cư dân mạng' mới là người 'quyền lực' nhất, bởi họ có thể tha hồ chỉ trích, 'ném đá' như những nhà phân tích, bình luận thực thụ. Họ chẳng quan tâm đến hậu quả vì không ai nghĩ mình góp gió thành bão. Khi một cơn bão truyền thông qua đi, chúng ta tự hỏi ai là người nổi gió đầu tiên, câu trả lời cũng chẳng có gì khác ngoài cụm từ chẳng thể chung chung hơn nữa: 'cư dân mạng'
Mới đây, chúng ta lại có một nạn nhân mới phải hứng đủ loại “gạch đá” của cư dân mạng chỉ vì… chiếc cà vạt. Tôi đoán chắc là không mấy ai trong số những người chỉ trích biên tập viên Tuấn Anh trong chương trình thời sự 12 giờ trưa của VTV xem kỹ đoạn clip được chia sẻ. Một người chỉ trích, mười người chỉ trích, trăm người chỉ trích… đến khi nhận ra sự thực không phải vậy, nhân vật chính cũng đã đủ tơi tả vì dư luận.
Cái miệng của một người có thể buôn chuyện từ nhà ra ngõ, nhưng một status trên mạng xã hội thì có thể truyền đi khắp thế giới. Một dòng chữ không thiện chí không những sẽ thành một con dao, mà sẽ là một con dao nhiều lưỡi ập đến từ nhiều hướng, nếu chúng ta không bình tĩnh.
Tôi biết nói cư dân mạng hãy bình tĩnh cũng khó. Đôi khi, tôi sửng sốt trước sự tàn nhẫn vô tình mà người ta ném vào nhau trên thế giới ảo. Mạng là ảo, nhưng sự tổn thương là thật, hậu quả là có thật.
Tôi thường đùa với bạn bè rằng lướt một vòng Facebook là biết ngay tình hình xã hội dạo này có gì "hot". Mạng xã hội cho người ta quyền "đánh bóng" bản thân, khoác lên những lớp vỏ tùy thích. Mấy ai kiểm chứng, vì bạn bè cũng là bạn "ảo", họ chỉ biết những gì bạn thể hiện trên thế giới ảo, thân thiết ảo, ngưỡng mộ ảo, ghen tị ảo..., hoàn toàn xa lạ với một bạn trong đời thực.
Nhiều khi, để tỏ ra hiểu biết, sâu sắc hay lý trí, người ta bàn luận chuyện này, phê phán chuyện nọ, cũng phân tích, bình luận, lên án hùng hồn. Những dòng status được share đi, share lại, người viết chỉ một, nhưng những nhóm "té nước theo mưa" thì vô số kể. Ai cũng tưởng rằng mình chỉ nói một câu, ai cũng thờ ơ xem đó chỉ là một dòng chữ vu vơ, không ai biết rằng nhiều lời nói gộp lại, nhiều dòng chữ gộp lại sẽ tạo thành cơn bão dư luận ập lên đầu nạn nhân từ lúc nào chẳng biết.
Bạn bình thường, bạn không được nhiều người biết đến, bạn đã chẳng chịu nổi một vài lời dè bỉu chê bai. Vậy hãy thử đặt mình vào vị trí một người nổi tiếng, hơi nổi tiếng hay gần nổi tiếng, họ nói gì, ăn gì, mặc gì, làm gì, ở đâu... nhất cử nhất động đều có cả trăm nghìn con mắt nhìn vào. Dĩ nhiên, chẳng ai làm vừa lòng hết cả số đông, đặc biệt là số đông rảnh rỗi chăm soi mói và phê phán.
Chẳng lạ gì khi ở Hàn Quốc - nơi có môi trường showbiz khắc nghiệt bậc nhất, có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tự tử vì không chịu nổi áp lực từ dư luận. Với những người ít nổi tiếng hơn như bạn biên tập viên VTV trót mặc chiếc áo sơ mi với phần cổ áo trùng màu với chiếc cà vạt kia, áp lực chưa đến mức ấy, nhưng cũng có thể đủ khiến họ mệt mỏi.
Khen cần văn hóa, chê cũng cần văn hóa. Với một cô nhà văn trẻ trót phát ngôn quan điểm không hợp ý số đông, một hoa hậu trót "không xinh", một bạn MC mặc chiếc áo dễ gây hiểu lầm..., bạn bớt đi một câu phê phán cũng không ai bảo bạn kém sâu sắc, người bị chê sẽ bớt đi một đêm mất ngủ, một ngày lo âu.
Có một điều vô cùng đơn giản mà chưa chắc nhiều người làm được: trước khi đặt bút chê ai đó, hãy suy nghĩ thật kỹ càng ta chê họ vì điều gì, sự chê đó có cần thiết, có hay, và ta đã hiểu kỹ điều mình định chê. Đừng vội ném đi viên đá, phóng đi lưỡi dao, rồi sau đó mới vỡ lẽ "À hóa ra không phải vậy". Vết thương bởi sự vô tình và a dua dễ làm tổn thương một người nào đó, đôi khi là nhiều hơn thế.
Blog của May
Ảnh minh họa: Shutterstock
>> Blog của May: Phụ nữ 'hay' làm ta say cả đời
>> Blog của May: Ai nỡ ví chồng mình như... lợn đâu
>> Blog của May: Hãy cất một chiếc bao cao su vào ví
>> Blog của May: Năm mới, yêu sao cho mới
Bình luận (0)