Anh Thái Khắc Dần (42 tuổi, ngụ tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An) cho biết đã có 13 năm “thâm niên” sống ở ngôi nhà có 14 phòng, là nơi ăn, chốn ở của nhiều người bị bệnh hư thận đang điều trị tại các bệnh viện tại TP.Vinh. Năm 2001, sau khi xuất ngũ trở về quê, anh Dần mắc phải căn bệnh suy thận. Gia đình dốc tiền chạy chữa cho anh nhưng đành bất lực, hai quả thận của anh sau đó bị hỏng hoàn toàn. Cuộc sống của anh phải nương vào người mẹ già chắt chiu từng con lợn, đàn gà, buồng cau, nải chuối. Năm 2004, vì không thể mỗi tuần 3 lần vượt gần 100 km đến bệnh viện chạy thận, anh Dần đành phải trở thành cư dân của "xóm chạy thận".
“Đã hơn chục lần tôi phải đón Tết ngay tại phòng trọ này rồi, một phần vì không có tiền tàu xe, một phần vì đau yếu phải phụ thuộc vào việc chạy thận. Lễ, tết mong nhớ gia đình, mẹ già cũng chỉ biết gọi vài cuộc điện thoại cho vơi. Bây giờ, bệnh viện, xóm trọ cũng như nhà mình”, anh Dần nói và cho biết hiện người mẹ già 87 tuổi của anh cũng đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, nhưng anh chỉ biết động viện mẹ bằng những cuộc điện thoại hỏi thăm ngắn ngủi.
Cùng chung cuộc sống khốn khổ ở phòng trọ này với anh Dần là anh Lương Văn Hướng (34 tuổi, ngụ tại huyện Tương Dương, Nghệ An). Anh Hướng gia nhập xóm chạy thận từ 2 năm nay. Bệnh tật đã vét hết gia sản, vợ con nheo nhóc, ruộng nương bỏ hoang khiến anh luôn cảm thấy thất vọng. “Nếu không có những người cùng cảnh ngộ để chia sẻ và động viên nhau thì có lẽ tôi đã buông xuôi rồi”, anh Hướng nói.
tin liên quan
Nước chạy thận khiến 8 bệnh nhân tử vong có lượng hóa chất cao gấp 260 lầnLiên quan đến tai biến y khoa khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình ngày 29.5, Công an tỉnh Hòa Bình hôm qua (24.6) đã thông tin kết quả điều tra ban đầu.
Sống nương tựa vào nhau
Hơn chục năm gắn bó với căn phòng chật chội này, anh Dần cho biết đã phải tiễn đưa hơn 50 người bạn cùng phòng ra đi mãi mãi. Bệnh hư thận được ví như là bản án tử hình đối với người bệnh khi 2 quả thận không còn đảm đương chức năng lọc máu để nuôi cơ thể, dẫn đến mắc những chứng bệnh nguy hiểm khác và có thể tử vong bất cứ lúc nào. Bởi thế, với những người ở xóm trọ này, cái chết chẳng khác nào cái chớp mắt. “Có người đang ngủ, người đang ăn dở bát cơm… thì phải nhập viện rồi cứ thế chẳng còn quay lại”, anh Dần nói.
Ông Nguyễn Văn Đoàn (58 tuổi, ngụ tại xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, hơn 20 người hiện đang sống tại khu nhà trọ này đến từ khắp nơi nhưng đều chung số phận bệnh tật và nghèo khó. “Cái khó nó buộc lấy cái tình. Ngoài việc giúp đỡ lẫn nhau, những người ở xóm trọ này còn luôn tìm mọi cách để có thêm nhiều giây phút được quây quần, tâm sự và động viên nhau. Chúng tôi xem đây như là gia đình thứ 2 của mình”, ông Đoàn nói.
Vợ mất, các con gái đều lấy chồng xa nên suốt hơn 8 năm qua, những lần về quê chóng vánh của ông Trương Đình Vinh (58 tuổi, ngụ tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) chỉ là để mang gạo, mang rau ra xóm trọ nấu ăn là chính. “Giúp đỡ hay thậm chí là ngồi tâm sự với nhau một vài phút với chúng tôi là điều rất đáng quý. Những cơn đau quằn quại vì bệnh tật, sự thiếu thốn tình cảm khi phải sống xa nhà cũng vơi được phần nào khi được những người bạn cùng cảnh ngộ quan tâm và động viên. Chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để chống chọi với bệnh tật và sống vui hơn”, ông Vinh nói.
Bình luận (0)