“Hồi sinh” kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên:

Cú hích cho vận tải đường thủy

27/02/2023 06:33 GMT+7

Là dòng kênh dài nhất TP.HCM, tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sau khi hoàn thành dự án cải tạo môi trường được kỳ vọng không chỉ tạo đột phá về giao thông, đô thị mà còn mở ra một tuyến du lịch đường sông đầy tiềm năng cho TP.HCM.

Mở rộng mạng lưới sản phẩm đường sông

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên vừa chính thức khởi công ngày 23.2. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan phải lập kế hoạch chi tiết, quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả để phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2025. Khi đó, dòng kênh xanh này sẽ hình thành tuyến giao thông đường thủy kết nối các quận, huyện của TP, cũng như kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây qua ngõ Long An và đi các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai theo hướng từ cửa sông Chợ Đệm đến sông Sài Gòn, góp phần hình thành trục giao thông thủy xuyên suốt toàn vùng.

Cú hích cho vận tải đường thủy  - Ảnh 1.

Phối cảnh tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sau khi hoàn thành xây dựng cải tạo

BAN ĐÔ THỊ

Thực tế, từ cách đây nhiều năm khi lên chủ trương hiện thực hóa ý tưởng về việc mở một số tuyến vận tải bằng đường thủy, tuyến vành đai trong (sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - rạch Bến Cát - sông Trường Ðay - kênh Tham Lương - kênh 19/5 - rạch Nước Lên - sông Bến Lức - kênh Ðôi - kênh Tẻ - sông Sài Gòn) kết nối từ các cảng, luồng tuyến đi đến các tỉnh lân cận đã từng được hy vọng sẽ tái hiện cảnh nhộn nhịp tàu thuyền giao thương từ TP.HCM đi đến các tỉnh miền Tây Nam bộ và ngược lại như trước đây, góp phần chia tải cho các tuyến đường như xa lộ Hà Nội, Xuyên Á... 

Vì thế, ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH thuyền buồm Đông Dương, nhận định sau khi dự án cải tạo môi trường nước tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên hoàn thành, chắc chắn sẽ tạo nên một cú hích rất lớn cho hệ thống vận tải hàng hóa bằng đường thủy kết nối từ TP.HCM đến các tỉnh lân cận. Đây là trục kết nối hàng hóa xuyên suốt từ đông sang tây đã nắm vị trí quan trọng từ thời khởi thủy khai sinh Sài Gòn - Gia Định. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ du lịch thì đây không phải là tuyến đường sông nhiều tiềm năng.

Người dân vẫn tiếp tục xả thải ra kênh nên có tốn bao nhiêu tiền làm cũng không thể thành công làm sản phẩm du lịch.


Ông PHan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty Viet Excursions

Ông An Sơn Lâm phân tích: Đặc điểm của du lịch đường sông một là đi tham quan khu vực nội đô, hai là liên kết hẳn ra ngoại tỉnh để kết nối các địa phương khác. Nếu chạy tuyến nội đô thì hướng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là khu vực ngoại thành, không thể nhiều tiềm năng phát triển bằng tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Bến Nghé. Những tuyến này hiện vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng. 

Trong khi đó, theo ông Lâm, nếu để kết nối hướng từ TP.HCM đi miền Tây thì đi Long An hiện đã có tuyến đường thủy đi từ sông Sài Gòn qua kênh Tàu Hủ, chạy dọc rạch Đôi đi Bến Lức, ra Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông. Nếu chạy theo hướng Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên không thuận lợi bằng, nhất là khi Long An vốn không phải điểm đến của du lịch đường thủy. Chưa kể, muốn chạy tuyến xa thì phải đồng bộ nâng tĩnh không của mạng lưới cầu dọc tuyến từ 5 - 6 m trở lên mới đủ cho tàu lớn chạy qua.

Cú hích cho vận tải đường thủy  - Ảnh 3.

Các đơn vị triển khai thi công dự án xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên ngay sau lễ khởi công

TTXVN

Trong khi đó, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty Viet Excursions, lại có góc nhìn khác. Theo ông, kênh Tham Lương - Bến Cát nối vào kênh Nhiêu Lộc, nếu chạy theo hướng rạch Xuyên Tâm theo đường Bùi Hữu Nghĩa thì sẽ kết nối lên Gò Vấp qua miếu Phù Châu, góp phần mở thêm mạng lưới du lịch đường thủy của TP. Song song, kết nối liên tỉnh có thể chạy lên tới Long An, qua Đức Hòa - Đức Huệ cũng là hai huyện đang được đánh giá là điểm đến du lịch hấp dẫn của Long An. "Tuyến đi như thế, không phải không có tiềm năng để phát triển du lịch đường thủy", vị này đánh giá.

Không phải chỉ cải thiện nguồn nước là xong

Mặc dù nhìn thấy tiềm năng cho du lịch từ tuyến Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, song ông Phan Xuân Anh cho rằng muốn hình thành các sản phẩm du lịch đường thủy thành công trên tuyến này, cần rất nhiều nỗ lực đồng bộ từ các sở, ngành. Cụ thể, do tuyến kênh rạch này nối liền với rạch Xuyên Tâm - con rạch ô nhiễm bậc nhất TP mà dự án cải tạo ì ạch đã 2 thập niên chưa thể triển khai. Nếu muốn có tuyến đường thủy xuyên suốt thì phải hoàn thành cùng lúc cải tạo 2 dòng kênh, rạch này. Tránh tình trạng có tàu, thuyền du lịch chỉ chạy được một khúc sạch, đến khúc sau lại ô nhiễm, hôi thối như đang xảy ra trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay. 

Đặc biệt, ông Phan Xuân Anh lưu ý để cải tạo hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM, phải triệt tiêu hoàn toàn việc đổ nước thải xuống dưới sông. "Như chính quyền Q.8 thời gian qua cũng rất mong chờ hình thành tuyến giao thông thủy, phát triển du lịch đường thủy nên đã cho cải thiện chất lượng nước, làm bờ kè rất đẹp bờ kênh Đôi nhưng không có đường thoát nước thải riêng. Người dân vẫn tiếp tục xả thải ra kênh nên có tốn bao nhiêu tiền làm cũng không thể thành công làm sản phẩm du lịch", ông Phan Xuân Anh dẫn chứng.

Trước kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, TP.HCM đã rất nhiều lần quyết tâm đột phá du lịch đường sông bằng các tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Bến Nghé, bến Bạch Đằng… nhưng đến nay, du lịch đường sông của TP vẫn ì ạch, các nhà đầu tư thì thất bại đến nản lòng. Các dự án cải tạo môi trường nước sông, kênh, rạch không phải cứ đổ tiền vào làm cho xong mà phải có phương án để giữ môi trường đó, cải thiện dân trí để người dân khắp TP cùng chung tay bảo vệ dòng sông. Chỉ đến khi đó, TP.HCM mới có thể thật sự phát triển du lịch đường sông.


Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH thuyền buồm Đông Dương

Bên cạnh đó, người đang khai thác các sản phẩm du lịch trên tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè này lưu ý sau khi làm xong công tác "xanh hóa" dòng kênh, các lãnh đạo ngành du lịch, chuyên gia du lịch phải đi khảo sát để xây dựng lộ trình sao cho hợp lý. Du lịch đường sông mà chạy tuyến dài quá cũng không được, phải có khảo sát để tìm điểm dừng ven kênh.

Cú hích cho vận tải đường thủy  - Ảnh 5.

Kênh Tham Lương - Bến Cát đoạn qua Q.Gò Vấp

H.Mai

Đồng quan điểm, ông An Sơn Lâm cho biết trong suốt 20 năm qua theo đuổi du lịch đường sông, ông đã đi khảo sát tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên nhiều lần. Tuyến này có tài nguyên nhân văn du lịch nhưng thiếu cảnh quan, ít sức hút điểm đến. Điểm mấu chốt là tuyến kênh đi qua vùng trũng, vùng ô nhiễm ven TP. Nếu muốn phát triển du lịch đường sông thì phải đảm bảo giải quyết triệt để ô nhiễm toàn tuyến và nâng cao nhận thức của người dân đôi bờ. Phải có đột phá về chất lượng nước và cảnh quan đôi bờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.