Việc đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế đêm của thành phố này trong thời gian qua được xem là cú hích để tận dụng những lợi thế trên.
Thêm sản phẩm để du khách… tiêu tiền
Quả vậy, bởi nhiều người tới TP.Pleiku vui chơi, thăm thú đều khen: Khí hậu trong lành, mát mẻ; con người hào sảng, phóng khoáng; ẩm thực phong phú… Nhưng nhiều người cũng tiếc rẻ: Ít đồ lưu niệm, ý nghĩa để mua về làm quà; ít nơi để thăm thú và thành phố… ngủ sớm quá! Qua đó, du khách muốn móc hầu bao để chi tiêu trong những dịp đến phố núi thăm thú cũng chỉ là cầm chừng.
Song, một thông tin đáng mừng và đầy ấn tượng từ ngành công nghiệp không khói ở Gia Lai nói chung và cả Pleiku được đánh giá rất khả quan. Đấy là năm 2023, Gia Lai đón 1,15 triệu lượt khách, trong đó có 9.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu trong lĩnh vực du lịch đạt 750 tỉ đồng; tăng 20% số lượt khách và vượt gần 21% doanh thu.
Riêng quý 1/2024, Gia Lai đón khoảng 470.000 lượt khách. Tổng doanh thu khoảng 230 tỉ đồng, tăng 21% về giá trị và 32% về số lượng khách so với cùng kỳ. Đặc biệt, khách quốc tế khoảng 2.900 lượt, tăng 164% so với cùng kỳ. Số lượng khách tham quan, lưu trú ở TP.Pleiku theo đó cũng có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng.
Cần nhìn nhận và thừa nhận những khiếm khuyết, "lỗ hổng" để "vá" ngay, để tạo nên cú hích nhằm phát triển mạnh du lịch từ TP.Pleiku cũng như của Gia Lai là nhiệm vụ đặt ra từ những năm qua. TP.Pleiku cũng là địa phương được xác định đi đầu trong đầu tư, khai thác, kinh doanh hoạt động, dịch vụ phát triển kinh tế đêm của Gia Lai để đến năm 2025, loại hình này sẽ được xem xét, triển khai rộng ra các địa phương khác như thị xã An Khê, Ayun Pa…
Với hệ thống dịch vụ lưu trú tốt, các địa điểm ẩm thực phong phú, con người thân thiện, Pleiku đứng trước nhiều cơ hội để thu hút du khách trong và ngoài nước. Ông Đỗ Việt Hưng, Chủ tịch UBND TP.Pleiku, cho biết: "Tiềm năng, lợi thế thôi chưa đủ. Cần phải đánh thức những điều đó để người dân được hưởng lợi, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển mới là vấn đề quan trọng. Phát triển kinh tế đêm và tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh, thân thiện, có bản sắc là những kế hoạch trọng tâm của chúng tôi. Vấn đề này không mới đối với nhiều địa phương khác trong cả nước nhưng dẫu sao mọi thứ ở đây vẫn đang được tiến hành, khi đi vào thực hiện cụ thể cần gạn đục khơi trong để mang lại hiệu quả cao".
Những bước đi cụ thể
Sau 26 năm hoạt động, chợ đêm Pleiku đoạn đường Nguyễn Thiện Thuận - Hoàng Văn Thụ - Lê Lai đã tạm dừng hoạt động từ ngày 1.4 vừa qua. Khu chợ này nằm ở trung tâm TP.Pleiku với gần 400 hộ kinh doanh nhiều mặt hàng. Đây cũng là vựa rau củ lớn nhất Gia Lai. Toàn bộ hoạt động của chợ được bố trí lại ở khu vực bãi đậu xe đường Nguyễn Văn Linh, phường Ia Kring, TP.Pleiku. Khu vực chợ cũ được quy hoạch, xây dựng thành phố ẩm thực. Chợ đêm, phố đi bộ cũng đã được quy hoạch, lên phương án cụ thể, đang trong giai đoạn triển khai.
Chị Nguyễn Thị Hoàng, một du khách đến từ TP.HCM nói: "Pleiku, Gia Lai rất đẹp! Nhóm bạn của mình hơn 10 người đến đây chơi ai cũng thích. Nhưng nói thật thành phố ngủ sớm quá. Mới có 10 giờ đêm mà đường phố đã vắng, thiếu đi những khu phố được quy hoạch bài bản để cho du khách lẫn người dân có thể tập hợp, vui chơi, dạo phố và để… tiêu tiền! Phố đẹp vậy mà ban đêm thiếu đi những cái này thì phí quá. Tôi nghe nói thành phố này đang triển khai phát triển kinh tế đêm. Cái này so với nhiều nơi cũng là muộn nhưng đây là hướng đi đúng đắn. Mong rằng dịp trở lại, chúng tôi sẽ thấy một phố núi sôi động hơn vào ban đêm".
Thực sự, việc phát triển kinh tế đêm được kỳ vọng tạo nên một dáng vẻ khác cho thành phố, sôi động hơn, cuốn hút hơn vào ban đêm. Từ đó cuộc sống của nhiều người dân với nhiều thành phần, nhiều ngành nghề kinh doanh cũng sẽ được hưởng lợi. Đấy cũng là cú hích để đánh thức thành phố… ngủ quên trong lĩnh vực này từ bao năm nay. Bởi trước đó, có chăng chỉ là những hoạt động thiếu quy củ, nhỏ lẻ và gói gọn xung quanh hoạt động của chợ đêm Pleiku và rải rác ở một số dịch vụ giải trí.
Ông Đỗ Việt Hưng, Chủ tịch UBND TP.Pleiku, cho biết thêm: Trong giai đoạn đầu cần triển khai một số mô hình cụ thể để thực hiện trên cơ sở quy hoạch. Cần phải có lộ trình và bảo đảm nguồn lực thực hiện. Các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với các sở, ngành tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm OCOP hằng năm để phục vụ du khách và người dân, tăng cường quảng bá, kết nối du lịch, phối hợp với các đơn vị thiết kế các tour, tuyến, điểm, khu du lịch để khai thác hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ của kinh tế ban đêm.
"Hạ tầng đô thị, cảnh quan đô thị cũng cần phải được tu sửa, chỉnh trang; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án… để thuận tiện cho quá trình lưu thông hàng hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân trên địa bàn. Các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ kinh tế đêm phát triển cũng đã được chúng tôi tính toán, chú trọng", ông Đỗ Việt Hưng nói.
Bình luận (0)