Cú lội ngược dòng của học sinh giỏi xã hội ở lớp chuyên tự nhiên

Hà Ánh
Hà Ánh
29/07/2023 07:15 GMT+7

Vượt qua tất cả trở ngại của một học sinh có thế mạnh các môn khoa học xã hội nhưng đã chọn học lớp chuyên tự nhiên, Phạm Nguyễn Thanh Hưởng đã có cú lội ngược dòng để trở nên ấn tượng hơn ở bậc ĐH.

Cú lội ngược dòng của học sinh giỏi xã hội học lớp chuyên tự nhiên - Ảnh 1.

Phạm Nguyễn Thanh Hưởng (hàng trên thứ 2 từ phải qua) tham gia khóa đào tạo Nâng cao năng lực thanh niên và mô hình APEC 2023 tại Đài Loan

NVCC

Từng cảm thấy chán nản và lạc lõng

Phạm Nguyễn Thanh Hưởng (20 tuổi, Quảng Ngãi), hiện đang là sinh viên năm 2 ngành marketing Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Từ bậc tiểu học, Hưởng không chỉ học giỏi mà còn tích cực tham gia nhiều phong trào và đạt giải thưởng nhiều cuộc thi. Lên THCS, Hưởng trở thành học sinh chuyên tại Trường THCS Nguyễn Tự Tân. Trong suốt 3 năm cuối bậc học này, Hưởng đã liên tục đạt giải học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp huyện và tỉnh. Đặc biệt ở lớp 9, Hưởng đồng thời đạt giải nhì học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp huyện và giải ba môn tiếng Anh cấp tỉnh.

Chia sẻ về khoảng thời gian này, cô sinh viên năm thứ 2 nói: "Em tự nhận thấy mình có năng khiếu với ngoại ngữ ngay từ khi học cấp 2. Dù thời điểm đó em là đứa rất lười học nhưng nhờ sở thích nghe nhạc tiếng Anh và xem phim Mỹ đã giúp em có một vốn kiến thức kha khá. Em may mắn đạt giải cao trong các kỳ thi mà không cần phải học tập, rèn luyện nhiều".

Với thành tích đạt được từ bậc THCS, Thanh Hưởng đã trúng tuyển vào Trường THPT Bình Sơn - trường điểm của huyện và học lớp giỏi nhất của trường. Dù dành nhiều thời gian để tham gia các câu lạc bộ, tổ chức phi lợi nhuận bên ngoài nhưng nữ sinh này vẫn tiếp tục gặt hái những thành tích cao trong học tập với giải thưởng học sinh giỏi 2 năm liên tiếp lớp 11 và 12.

Dù vậy, với suy nghĩ khiêm tốn của mình, Thanh Hưởng vẫn cho rằng bản thân "không xuất sắc gì so với bạn cùng trang lứa".

"Em trúng tuyển vào lớp chuyên tự nhiên gồm các môn: toán, lý, hóa. Ở thời điểm đó, những người học được lớp chuyên tự nhiên mới được coi là giỏi và em cũng muốn thể hiện điều này với ba mẹ. Dù thực sự em có thế mạnh hơn ở các môn bên xã hội như: tiếng Anh, văn, địa... nhưng em đã không chọn ban mà em có thế mạnh hơn", Hưởng kể lại.

Hưởng nói tiếp: "Vì không theo đúng sở trường, nên em đã có 3 năm học THPT khá u ám, chán nản và lạc lõng". Cựu học sinh lớp chuyên gọi đó là quãng thời gian có lúc khá chán ghét việc học, thường xuyên cúp học. "Em còn nhớ lúc ôn thi ĐH giai đoạn học kỳ 1, em đã nghỉ 20 buổi, có khi ngủ trong lớp, không tập trung… Nhưng sau tất cả, vì muốn chứng tỏ mình giỏi và không muốn bị xem thường, em đã tập trung nỗ lực trở lại và có một có kết quả thi ĐH khá ấn tượng", nữ sinh chia sẻ.

Cuối cùng, Hưởng trở thành sinh viên có điểm trúng tuyển cao nhất ngành marketing hệ tiêu chuẩn của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, với điểm đầu vào các môn: toán 8,4; văn 8,25 và tiếng Anh 10.

Cú lội ngược dòng của học sinh giỏi xã hội học lớp chuyên tự nhiên - Ảnh 2.

Khóa đào tạo Nâng cao năng lực thanh niên và mô hình APEC 2023 thu hút 22 đại diện nước ngoài và 36 đại diện Đài Loan tham gia

NVCC

 Top 3 bài thuyết trình tốt nhất

Bên cạnh việc học, Phạm Nguyễn Thanh Hưởng hiện đang tham gia tích cực nhiều hoạt động tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, như: thành viên CLB tình nguyện quốc tế, trưởng nhóm đại diện sinh viên tham gia giao lưu văn hóa với sinh viên CH Séc, cộng tác viên với Trung tâm Việt Nam học và tiếng Việt cho người nước ngoài… Ngoài ra, dù mới năm thứ 2 nhưng sinh viên này còn tham gia các công việc liên quan ngành học như sáng tạo nội dung, trợ giảng tiếng Anh, trợ lý sản xuất cho Đài truyền hình Quảng Ngãi, stylist cho sự kiện…

Gần đây nhất, Hưởng là một trong số 2 sinh viên đại diện cho Việt Nam tham dự khóa đào tạo Nâng cao năng lực thanh niên và mô hình APEC 2023 tại Trường ĐH Công nghệ Quốc gia Đài Bắc (NTUT, Đài Loan) từ ngày 6-7.7.

Mục tiêu của chương trình là nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) thông qua hội thảo và học thực tiễn trong một cuộc họp APEC kiểu mẫu. Tham dự hội nghị lần này có đại diện thanh niên từ 14 nền kinh tế thành viên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các đại diện được mời tham gia với tư cách đại biểu của nền kinh tế thành viên. Hội nghị đã thu hút 22 đại diện nước ngoài và 36 đại diện Đài Loan với tổng số 58 người tham gia từ 14 nền kinh tế thành viên.

Cú lội ngược dòng của học sinh giỏi xã hội học lớp chuyên tự nhiên - Ảnh 3.

Phạm Nguyễn Thanh Hưởng, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Tôn Đức Thắng

NVCC

Trước hội nghị, phần thuyết trình từ đại diện Việt Nam, nữ sinh viên Thanh Hưởng chia sẻ báo cáo dự án "Hội nghị chuyên đề APEC về phát triển năng lực lãnh đạo mới đáp ứng sự phát triển của công việc trong thời đại kỹ thuật số". Thanh Hưởng cho biết, đây là một dự án do Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề xuất vào năm 2020. Dự án nhằm thảo luận về các kỹ năng lãnh đạo mới, cần có trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, liên quan đến việc đào tạo các doanh nhân ở Việt Nam và khu vực với các kỹ năng lãnh đạo cần thiết để tích hợp công nghệ vào doanh nghiệp của họ tốt hơn.

"Ngoài ra, dự án nhấn mạnh cách tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động và trong không gian khởi nghiệp", sinh viên này nói thêm. Với phần trình bày xuất sắc, đại diện đến từ Việt Nam được đánh giá là top 3 có bài thuyết trình tốt nhất trong số 14 đại diện tham dự khóa đào tạo.

Nói về chặng đường đã qua, học sinh giỏi từng đạt nhiều giải thưởng môn tiếng Anh, bày tỏ: "Em khá hối tiếc vì giai đoạn THPT đã lãng phí nhiều thời gian cô lập bản thân với xã hội; nhút nhát và thiếu tự tin vì mặc cảm bản thân không đủ giỏi. Vì thế, em muốn trải nghiệm thật nhiều khi lên ĐH, bước ra khỏi vùng an toàn và hoàn thiện bản thân hơn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.