Củ nần

29/04/2012 03:39 GMT+7

Trên Báo Văn Nghệ, nhà thơ Inrasara từng kể về “dây củ nần trong khu di tích căn cứ lõm Gò Dầu”, thứ củ đã góp phần xua đi mùa đói trên đất Phan Rang vào những năm đói kém. Inrasara viết: “Đất nắng Phan Rang hạn hán tiếp nối hạn hán.

Năm sinh tôi mẹ nói mười lăm tháng trời không cho lấy giọt mưa. Gặp nạn như thế, dân làng tôi lên núi tìm đủ mọi củ hạt về giã nấu ăn thay cơm. Và dĩ nhiên, củ nần là món chủ lực. Củ nần xắt mỏng phải rửa qua bảy lần nước mới có thể nấu độn cơm hay xào ăn thay cơm. Nước rửa củ nần độc đến mức trâu uống phải cũng ngoẻo. Thằng Klai bạn chơi với tôi thuở cà lỏn đã suýt chết bởi ăn mấy miếng nần chưa qua đủ nước”. Lòng chợt bùi ngùi với những câu ca dao xưa diễn tả cái cảnh ăn củ sắn, củ nần: Tháng ba củ sắn, củ nần/Cái bụng bào bọt, bần thần đôi chân.

Giữa lúc lúa gạo của cả nước xuất khẩu đứng hàng nhất nhì thế giới mà nói chuyện “khoai củ” xem ra có vẻ lạc điệu. Nhưng “được mùa chớ phụ ngô khoai”, mà khoai sắn rất nhiều người biết, còn củ nần thì sao? Có lẽ ít người tỏ tường. Theo y học cổ truyền, củ nần còn có tên là củ nừng, củ nê, dây nần hoặc củ nâu trắng, thuộc họ củ nâu. Củ nần rất độc, triệu chứng ngộ độc ban đầu là ngứa trong cổ họng kèm theo nóng rát, rồi choáng váng, nôn ra máu, nghẹt thở và buồn ngủ. Nếu không chữa chạy kịp thời, nạn nhân có thể tử vong sau vài giờ.

Muốn ăn củ nần, người ta cạo bỏ vỏ, xắt thành những lát mỏng, ngâm với nước sạch 6 - 7 lần, mỗi lần ngâm gần một ngày, sau đó vớt ra để ráo, đem phơi nắng. Nần khô, bỏ vào lu hũ để dành, mỗi lần nấu cơm, cách làm như độn khoai sắn. Củ nần đã cứu sống rất nhiều dân nghèo, bộ đội, du kích những vùng sâu vùng xa thời chiến tranh ác liệt. Ai đã từng được củ nần “cứu đói” một lần sẽ không thể nào quên loại củ độc mà ơn nghĩa này.

Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao từ Quảng Trị trở vào Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh đều mang ơn củ nần. Ngoài cách chế biến hấp cơm truyền thống, bà con còn biết cách chế biến củ nần trở thành những món ăn độc đáo với hương vị đặc biệt, như người Ch’ro ở Đồng Nai chế biến củ nần thành món “cố tuôi” tức chè củ nần, giống như chè củ mài ăn rất ngon, ngoài ra còn món xôi củ nần, hay củ nần nướng trong ống lồ ô, từa tựa cơm lam của đồng bào dân tộc thiểu số phía bắc…

Bây giờ khó mà tìm đâu ra món củ nần, trừ phi đến với vùng sâu vùng xa, núi cao… hoặc một số nhà hàng sang trọng ở thành phố. Có điều, ở các nhà hàng này, những món từ củ nần không còn là thứ cứu đói, cứu sống người nữa, mà trở thành món ăn chơi lạ miệng của những người thừa cơm thừa gạo mất rồi.           

Trần Hoàng Vy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.