Cú nhảy siêu thanh từ rìa vũ trụ

16/10/2012 03:10 GMT+7

“Kẻ thách thức tử thần” người Áo Felix Baumgartner đã thực hiện thành công cú nhảy thần sầu từ rìa vũ trụ, trở thành người đầu tiên đột phá bức tường âm thanh.

Sau nhiều lần trì hoãn do điều kiện thời tiết không thích hợp, rạng sáng ngày 15.10 (giờ VN), Felix Baumgartner đã nhảy từ độ cao 39.044 m trên bầu trời bang New Mexico (Mỹ) xuyên qua tầng bình lưu với tốc độ nhanh hơn vận tốc âm thanh. Trong suốt quá trình rơi tự do kéo dài 4 phút 20 giây, ông đã đạt được vận tốc 1.342 km/giờ, theo Reuters dẫn lời Brian Utley của Hiệp hội Hàng không quốc gia Mỹ. Tất nhiên, thông số về toàn bộ cú nhảy trên đều là ở dạng sơ bộ, cho đến khi được công nhận bởi các tổ chức quốc tế.

Vinh quang hay cái chết

Theo AFP, Baumgartner, 43 tuổi, đã đáp dù xuống sa mạc nằm ở phía đông bang New Mexico khoảng 9 phút sau khi nhảy từ khoang áp suất treo dưới khinh khí cầu khổng lồ. Ông ra dấu hiệu chiến thắng ngay sau khi tiếp đất, đón nhận sự hoan hô nồng nhiệt từ những người quan sát trên mặt đất, cũng như bạn bè và đội ngũ hỗ trợ ông. Cú nhảy này có thể đưa ông đi vào sử sách, hoặc đối mặt với cái chết. Và may mắn đã mỉm cười với Baumgartner. Mô tả lại cảm giác đứng trên rìa vũ trụ, ông nói: “Khi đứng đó, trên đỉnh của thế giới, bạn sẽ cảm thấy vô cùng nhỏ bé và thấp kém, bạn không nghĩ đến chuyện phá kỷ lục nữa, bạn không nghĩ đến việc thu thập dữ liệu khoa học gì cả. Điều duy nhất xuất hiện trong tâm trí lúc đó là làm sao sống sót sau cú nhảy”.

Cú nhảy siêu thanh từ rìa vũ trụ 
Felix Baumgartner đã đi vào lịch sử với cú nhảy kỷ lục - Ảnh: Red Bull Stratos


Baumgartner và đội ngũ hỗ trợ Red Bull Stratos đã thách thức 3 kỷ lục có thể nói là vượt quá mức chịu đựng của con người: cú nhảy cao nhất, cú rơi tự do lâu nhất mà không bung dù, và đạt vận tốc lớn nhất - vượt ngưỡng âm thanh. Và ông đã trở thành người đầu tiên đạt vận tốc siêu thanh chỉ với bộ đồ bảo hộ. Cảm giác di chuyển vượt tốc độ âm thanh “rất khó tả, vì bạn không cảm nhận được nó”, Baumgartner nhớ lại. 3 giờ trước đó, “Felix can đảm”, biệt danh của ông, đã leo vào khoang áp suất, và được đưa lên độ cao đã định bằng khinh khí cầu vỏ siêu mỏng chứa khí helium và cao như tòa nhà 55 tầng. Bất chấp lo ngại về mũ bảo hộ, trục trặc ở phần kính chắn có thể hạn chế thị giác do hơi thở đóng thành băng, ông vẫn kiên quyết thực hiện cú nhảy để đời. Tuy nhiên, sự cố trên không xảy ra, nhưng một trục trặc khác khiến ông lâm vào tình trạng mất điều khiển chính cơ thể đang bị xoay một cách chóng mặt trong lúc di chuyển qua tầng bình lưu. May mắn là Baumgartner đã lấy lại kiểm soát khi không khí đặc dần.

Cú nhảy siêu thanh từ rìa vũ trụ 1 
Toàn cảnh cú nhảy - Ảnh: Red Bull Stratos

Kỷ lục 52 năm

Như vậy, để vượt qua độ cao tối thượng đã được xác lập bởi đại tá không quân Mỹ Joe Kittinger vào tháng 8.1960, ở mốc 31.332 m, con người phải mất hơn 52 năm. Giờ đây ở độ tuổi bát tuần, ông Kittinger đã tham gia với vai trò cố vấn trong đội hỗ trợ Baumgartner thực hiện cú nhảy phá kỷ lục của chính mình. Ông cũng là người duy nhất theo sát và nói chuyện với Baumgartner trong giai đoạn lên đến điểm tập kết kéo dài khoảng 2 giờ, và khoảng 9 phút lao xuống.

Kế hoạch của cựu phi công người Áo đã nhận được hỗ trợ của đội ngũ đông đảo gồm 300 người, trong đó hơn 70 kỹ sư, nhà khoa học, theo đuổi dự án kéo dài 5 năm gọi là Red Bull Stratos. Các kỹ sư và chuyên gia trong đội Red Bull Stratos cũng đã thu thập dữ liệu cần thiết nhằm chế tạo đồ bảo hộ thế hệ mới cho các phi công, phi hành gia, và có thể là du khách không gian trong tương lai nắm được cơ hội sống sót trong trường hợp gặp sự cố.

Cú nhảy của ông Baumgartner đã nhận được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng thế giới. Gần 7,3 triệu lượt người hồi hộp chờ đợi khi ông đứng trên khoang áp suất ở độ cao không tưởng. Khi ông đáp an toàn, bức hình chụp ông giơ bàn tay chiến thắng trên Facebook đã lập tức nhận được gần 216.000 lượt "like", 10.000 lời bình và hơn 29.000 lần chia sẻ trong chưa đầy 40 phút. Trên Twitter, phân nửa chủ đề được đề cập đều liên quan đến cú nhảy của Baumgartner.

Thiết bị bảo vệ

Bộ đồ áp suất toàn phần và mũ chống nhiệt là thiết bị bảo vệ duy nhất Felix Baumgartner để sống sót khi vượt qua khoảng không. Các bộ đồ áp suất dành cho phi hành gia thật ra chưa bao giờ được công nhận là thiết bị bảo vệ an toàn cho những người dám thực hiện các cú nhảy tự do như Baumgartner. Dựa trên các số liệu thống kê trước đây, bộ đồ phi hành gia trị giá 200.000 USD có những đặc điểm sau:

- Bảo vệ người mặc ở nhiệt độ âm 68 độ C đến 38 độ C.

- Khi đối mặt với áp suất 2.461 kg/m (tương đương độ cao 10.668 m), nó có thể hóa giải các triệu chứng khí ép.

- Ở độ cao 18.890 m, chất lỏng bên trong tế bào cơ thể của Baumgartner có thể biến thành khí và nở rộng- một hội chứng gọi là máu sôi, nhưng bộ đồ trên giúp duy trì áp suất bên trong cơ thể ở mức an toàn.

Hạo Nhiên

>> Cú nhảy "thần sầu" từ độ cao hơn 29.500 m
>> Cú nhảy phá vỡ "bức tường âm thanh
>> Cú nhảy từ độ cao 37 km
>> Cú nhảy "thần sầu" từ độ cao hơn 29.500 m
>> Ngành điều và cú nhảy ngoạn mục
>> Cú nhảy từ tầng lầu thứ 8

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.