Lần đầu tiên gặp ông Phước, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì ở tuổi “bát thập” trông ông vẫn khỏe mạnh, rắn rỏi, tự chạy xe máy… và rất hoạt bát.
Ông Phước cho biết từ năm 2002 đến nay, ông tự nguyện làm công việc vá đường và giúp đỡ những người có hoàn cảnh neo đơn, tật nguyền. Lúc đầu, ở khóm Mỹ Phú có 2 người cùng vá đường với ông. Thời gian sau, một người qua đời, người còn lại già yếu không tiếp tục được, nên chỉ còn mình ông ngày ngày âm thầm dặm vá những khúc đường bị bong tróc, loang lổ, giúp xe cộ và người đi lại dễ dàng hơn.
Nơi ông dặm vá thường xuyên là xã Mỹ Phú, xã Hòa An và một số con đường thuộc TP.Cao Lãnh. “Vá đường là công việc không nặng nề nhưng đòi hỏi kiên trì, vì vậy tôi phải đi xin từng bao nhựa đường ngào sẵn rồi tự chở đến những đoạn đường hư hỏng để vá”, ông Phước nói.
Điều đáng khâm phục là ở tuổi 82 mà ngày nào ông cũng chạy xe máy đi xin vật liệu, chở 2 bao nặng khoảng 50 - 60 kg từ Công ty xây dựng công trình giao thông Đồng Tháp đến địa điểm vá cách xa 5 - 7 km. Ông xem đó như công việc gia đình, càng làm càng thấy vui. Nhiều người đi đường thấy ông lớn tuổi ngồi một mình giữa trời nắng, mồ hôi nhễ nhại, cặm cụi dặm vá từng chỗ bong tróc nên cảm thương, gửi tiền bồi dưỡng nước nôi nhưng ông tuyệt đối không nhận.
Ông nói: “Việc tôi làm tuy nhỏ nhưng vì lợi ích chung, càng làm tôi càng cảm thấy vui vì mình đã làm được những điều hữu ích cho đời”. Nghĩa cử của ông được vợ con đồng tình ủng hộ. Anh Mai Bá Hiếu, con trai ông, kể lại: “Thấy ba làm việc vất vả ngoài trời (trời nắng, nhựa chảy mới vá được) tụi tôi cũng hơi lo cho sức khỏe vì ba đã già, nhưng ba nói nhờ vận động thường xuyên nên khỏe và tinh thần phấn chấn hơn là ngồi không”.
Ngoài dặm vá đường, ông Phước còn tích cóp tiền dành dụm của mình mua gạo giúp người già yếu, bệnh tật. Hiện 15 hộ gia đình hoàn cảnh neo đơn được ông tặng gạo mỗi tháng từ 5 - 10 kg/hộ. Mỗi khi nghe gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn, ông tìm đến hỏi han và chia sẻ. Nếu đường quá xa, ông nhờ người chở gạo đến tận nhà. Ngoài ra, ông còn tự xuất tiền túi nâng cấp một con hẻm dài 100 m.
Tấm lòng thiện nguyện của ông đã lan tỏa khắp xóm, được bà con hoan nghênh nên nhiều người cùng hưởng ứng, kẻ góp công, người góp tiền. Sau khi con hẻm hoàn thành, để tưởng nhớ công ơn của ông, bà con lấy tên ông đặt tên hẻm là “Bảy Đèo”.
Khi được hỏi sẽ vá đường đến khi nào, ông Phước cười nói: “Ngày nào còn sức khỏe, còn chạy xe được là tôi còn dặm vá đường. Tôi không làm được gì lớn lao, chỉ mong góp một phần bé nhỏ cho đời là toại nguyện lắm rồi”.
Bình luận (0)